Theo đánh giá, chính sách giảm thuế VAT đến hết tháng 6/2024 sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.
Giảm thuế VAT góp phần giúp tổng cầu nền kinh tế đỡ suy giảm, hỗ trợ tăng trưởng
Quốc hội vừa nhất trí giảm thuế VAT 2% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Tài chính, việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4.175 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, chính sách giảm thuế VAT vẫn được đánh giá là mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiêp. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc giảm thuế đã góp phần giúp cho tổng cầu nền kinh tế đỡ bị suy giảm, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chính sách này đã giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân, cũng như nền kinh tế Việt Nam có sự cải thiện qua từng quý. Điều này giống như nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ lại cho người dân, doanh nghiệp thì sẽ giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu thụ hàng hóa được thuận lợi hơn thì kinh tế tiếp tục phát triển và nguồn thu ngân sách vẫn tiếp tục tăng.
Đề xuất kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế VAT đến hết năm 2024
Nhìn nhận về chính sách này, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, chính sách giảm thuế VAT năm 2022 và năm 2023 đã phát huy tác dụng thiết thực, tác động đa chiều đến nền kinh tế khi giảm thuế làm giá hàng hóa giảm, tiêu dùng tăng giúp doanh nghiệp tăng sản xuất.
“Doanh nghiệp được giảm chi phí đầu vào thông qua giảm 2% VAT. Chi phí đầu vào giảm, người tiêu dùng mua được hàng hóa rẻ hơn, đồng thời tiết kiệm được 2% trong tiêu dùng nên sức tiêu thụ mạnh hơn”, ông Mạc Quốc Anh đánh giá.
Ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh thêm “việc giảm 2% thuế được xem như một mũi tên trúng ba đích, vừa góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển”.
Đối với hệ thống bán lẻ hiện đại, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Markerting MM Mega Market cho rằng: Việc tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 là tín hiệu rất khả quan để kích cầu tiêu dùng. Trong quý 3/2023, lượng người mua sắm tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp đã khởi sắc hơn, doanh thu tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đóng góp không nhỏ của việc giảm thuế VAT 2%.
“Trong năm 2024, việc giảm thuế VAT 2%, cùng với giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu sẽ giúp cho doanh nghiệp ổn định phát triển và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, Chính phủ cần xem xét cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp ở cả góc độ chính sách tài khóa, cũng như chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng, việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá rất quan trọng, giúp xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước có thể ổn định cung – cầu, cũng như đẩy mạnh được tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024”, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Quá trình triển khai chính sách giảm thuế VAT có loại trừ đã được triển khai từ năm 2022 nhưng tới năm 2023, nhiều người nộp thuế và cơ quan thuế vẫn loay hoay khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp lúng túng khi phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%?
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ- CP và Nghị định 44/2023/ NĐ-CP nhằm hướng dẫn việc thực hiện, nhưng thực tế, việc phân loại hàng hoá, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp khi tra cứu phụ lục của Nghị định 15 và 44 đã không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%? Do vậy doanh nghiệp mong mỏi, các hướng dẫn, trình tự, thủ tục thực hiện đối với Nghị định quy định chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết của Quốc hội đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi cần khắc phục tình trạng trên.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế, phí là “liều thuốc” hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng chưa đủ. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị: Trước hết, về dài hạn, để tăng trưởng và phát triển bền vững hơn, Chính phủ cũng như doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Từ đó, góp phần tiết kiệm chi phí, cũng như tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới cho nền kinh tế.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa – Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM đề nghị cần kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế VAT đến hết năm 2024 mới mang lại giá trị thiết thực là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất. Việc giảm thuế VAT 2% cần thời gian để doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp và mang lại hiệu quả, lợi ích thực sự cho nền kinh tế.
Các mức thuế suất thuế VAT năm 2024 được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, Nghị định 44/2023/NĐ-CP, thuế suất thuế GTGT 2024 sẽ có các mức sau:
(1) Thuế suất thuế GTGT 0%:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013; khoản 2 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế sửa đổi 2016) quy định mức thuế suất 0% theo đó:
Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 khi xuất khẩu, trừ các trường hợp sau đây:
– Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài;
– Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài;
– Dịch vụ cấp tín dụng;
– Chuyển nhượng vốn;
– Dịch vụ tài chính phái sinh;
– Dịch vụ bưu chính, viễn thông;
– Sản phẩm xuất khẩu quy định tại khoản 23 Điều 5 của Luật này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
(2) Thuế suất thuế GTGT 5%:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Luật Thuế GTGT sửa đổi 2013; điểm b, điểm c, điểm k khoản này lần lượt bị sửa đổi, bãi bỏ bởi khoản 2, khoản 3 Điều 3 Luật Sửa đổi các luật về thuế 2014) quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:
– Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
– Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng
– Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp;
– Sản phẩm trồng trọt,chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến, trừ sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;
– Mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá;
– Thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến, trừ gỗ, măng và sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;
– Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;
– Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp; bông sơ chế; giấy in báo;
– Thiết bị, dụng cụ y tế, bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;
– Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập, bao gồm các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa và các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học;
– Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;
– Đồ chơi cho trẻ em; sách các loại, trừ sách quy định tại khoản 15 Điều 5 của Luật này;
– Dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.
(3) Thuế suất thuế GTGT 10% và 8%:
Theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 101/2023/QH15 thì mức thuế suất 8% áp dụng đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng 10% trừ một số nhóm hàng hoá theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Thuế GTGT 2008 quy định mức thuế suất GTGT 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không áp dụng mức thuế suất 0% và 5% và nhóm 8%.
Theo: Hoàng Tư/Taichinhdoanhnghiep.net.vn
Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/giam-thue-vat-tro-luc-giup-doanh-nghiep-phuc-hoi-va-tang-truong-d44633.html