Bảo hiểm y tế là chính sách xã hội quan trọng, là một trong các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị – xã hội. Vì vậy, việc mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế cần có bước đi, lộ trình phù hợp với bối cảnh mới, bảo đảm mục tiêu phát triển bảo hiểm y tế bền vững.
Chuyển biến tích cực trong phát triển BHYT
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời từ năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT toàn dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
Đánh giá sau gần 6 năm triển khai Luật BHYT năm 2014, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm (bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT).
Trong đó, diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế như: nhóm người lao động đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên đạt xấp xỉ 100% và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.
Thực tế tại một số quốc gia có nền kinh tế phát triển cho thấy, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân phải mất từ 40 đến 80 năm. Đối với Việt Nam, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII) đặt ra là hoàn toàn khả thi.
Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, đạt được kết quả khả quan trên là do sự nỗ lực vượt khó của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong ngành BHXH và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương; Tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp để người dân tham gia BHYT thuận lợi nhất; Mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức kinh tế; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và tích cực cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.
Đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển BHYT bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển bền vững chính sách BHYT cũng gặp phải nhiều vấn đề thách thức như: Vấn đề già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi và đặc biệt là vấn đề chi khám chữa bệnh BHYT không ngừng gia tăng. Do đó, để thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra là đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và để phát triển BHYT bền vững, ông Phạm Lương Sơn đã nêu ra các giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung phát triển đối tượng tham gia BHYT theo hướng bền vững. Mặc dù, số người dân chưa tham gia BHYT hiện nay còn ít, nhưng lại là thách thức không nhỏ, bởi đó là những người không có thu nhập ổn định, thường khi có bệnh mới tham gia BHYT, đi ngược lại nguyên tắc chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT.
Giải pháp đặt ra là ngành BHXH cần phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương để đề xuất những giải pháp hỗ trợ người dân tham gia BHYT, giúp những đối tượng này có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT.
Đồng thời, có những giải pháp đảm bảo tính ổn định, bền vững cho các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT bằng cách nâng cao nhận thức của người dân ý thức chia sẻ cộng đồng và cơ hội có nguồn tài chính vững chắc phòng khi không may mắc bệnh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính tiến tới thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; cho phép người tham gia BHYT thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT.
Thứ hai, quản lý, sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả, an toàn nhưng cũng cần bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT. Đồng thời, ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh; hoàn thiện các chính sách về BHYT, xây dựng gói quyền lợi BHYT phù hợp, rà soát ưu tiên đưa vào danh mục Quỹ BHYT chi trả đối với các dịch vụ y tế có tính chi phí hiệu quả cao; bảo đảm công khai và minh bạch trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới” đặt ra là hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh đó, cần thay đổi phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo hướng thanh toán định suất đối với khám chữa bệnh ngoại trú và theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) đối với khám chữa bệnh nội trú. Kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Ngoài các giải pháp trên, ngành BHXH nghiên cứu tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định đối với BHXH các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hình thức lạm dụng BHYT, cũng như các trường hợp người bệnh BHYT không được đảm bảo quyền lợi tối đa.
Với việc triển khai những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tin tưởng rằng, ngành BHXH sẽ hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân và đảm bảo phát triển BHYT bền vững.
Theo Hoàng Mai/tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn:http://tapchitaichinh.vn/bao-hiem/huong-toi-muc-tieu-phat-trien-bao-hiem-y-te-ben-vung-330757.html