Phát triển đội ngũ Doanh nhân ngày càng lớn mạnh

Xác định doanh nghiệp (DN) là động lực cho tăng trưởng kinh tế, tháng 10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây được xem là nghị quyết rất quan trọng trong điều kiện hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế hiện nay.

QUY MÔ NHỎ, CẠNH TRANH THẤP

Hơn 10 năm trước, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thế nhưng, đến nay sự phát triển đội ngũ DN, doanh nhân còn khá chậm và chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thời kỳ mới. Đặc biệt là sự phát triển nhanh của khoa học – công nghệ đã làm thay đổi nhiều mô hình quản trị và tái cấu trúc DN trong nước…

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 cho thấy, phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Cũng như, thiếu những DN “đầu tàu” có quy mô lớn tham gia dẫn dắt và hình thành nên những chuỗi liên kết sản xuất bền chặt. Trong đó, đối với những tỉnh xa các trung tâm kinh tế lớn như Bạc Liêu lại càng gặp nhiều khó khăn và chiếm gần 90% là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Đáng quan tâm nhất là trong năm 2023, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu và cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đã tác động sâu sắc đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN tỉnh nhà. Nhất là các DN hoạt động chế biến xuất khẩu vốn được ví như “chiếc xương sống” của nền kinh tế khi ngành này tác động trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản, giải quyết việc làm và các ngành dịch vụ, thương mại ăn theo khác.

Ngoài những khó khăn này, vẫn còn một bộ phận DN, doanh nhân vi phạm về đạo đức, văn hóa kinh doanh và ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt. Cũng như, một số cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ DN chậm được triển khai. Cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới và vẫn còn tình trạng “làm khó” DN…

Một trong những mục tiêu tổng quát được Nghị quyết 41 đề ra chính là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc. Đồng thời, có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường và tiếp tục có đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước…

NHU CẦU BỨC THIẾT

Có thể nói, sự ra đời Nghị quyết 41 đã giải quyết các vấn đề bức thiết trong việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ DN, doanh nhân hiện nay. Bởi công tác này tuy được quan tâm, nhưng vẫn chưa đủ lực để vực dậy sự phát triển của đội ngũ DN, doanh nhân. Cũng như, “sức khỏe” của đội ngũ này dường như đã bắt đầu yếu đi do ảnh hưởng từ suy thoái, lạm phát của nền kinh tế thế giới.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, trong tháng 10/2023 có 45 DN đăng ký mới, với số vốn đăng ký 150 tỷ đồng, nhưng có đến 220 DN phải rút khỏi thị trường do hoạt động sản xuất – kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí phá sản. Đáng quan tâm hơn là ước cả năm nay sẽ có khoảng 322 DN thành lập mới, đạt 92% kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ, nhưng với số vốn đăng ký chỉ dừng lại ở 1.650 tỷ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ. Con số này đã phản ánh quy mô và năng lực tài chính của DN bị giảm đi rất nhiều và cần có ngay một “liều thuốc” đủ mạnh cho tăng trưởng và giúp DN tạo ra sức bật để đứng lên.

Theo UBND tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, DN có vốn đầu tư nước ngoài, Bạc Liêu sẽ tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất – kinh doanh. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển DN nhỏ và vừa. Cũng như, nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn, hướng dẫn thủ tục cho DN tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và nộp trực tuyến tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN…

Một trong những vấn đề được tỉnh quan tâm nhất hiện nay là tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 41. Đó là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân của địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển DN dân tộc, DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp. Đồng thời, có chính sách tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành DN…

Cùng với đó, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã…

Mục tiêu đến năm 2030

Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều DN đạt tầm khu vực, một số DN đạt tầm thế giới; một số DN lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số DN có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Tầm nhìn đến năm 2045

Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận DN có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Tác giả: Kim Trung – Đặc san phát triển kinh tế – xã hội số 5

Trả lời