Vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại trong quá trình hội nhập

Sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thách thức hội nhập

Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các FTA cho phép các thành viên sử dụng để hỗ trợ các nền kinh tế, các ngành sản xuất trong quá trình tự do hóa.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, các vụ việc PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước của Việt Nam cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của ngành.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối cán cân thương mại toàn cầu không được cải thiện, làm gia tăng mâu thuẫn về thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nước. Tranh chấp thương mại Mỹ – Trung từ năm 2018 đến nay vẫn chưa giảm bớt căng thẳng, đồng thời, những biện pháp hạn chế thương mại mà hai bên áp dụng lẫn nhau gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới toàn thế giới.

Thực hiện cam kết theo các FTA đã ký, Việt Nam đã mở cửa thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng từ các đối tác thương mại quan trọng. Điều này đặt các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước trong khu vực.

“Lá chắn” phòng vệ thương mại

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã kịp thời áp dụng các công cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất nội địa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Theo đó, cho đến hết năm 2015, Việt Nam mới chỉ điều tra và áp dụng được 2 biện pháp PVTM đối với mặt hàng dầu ăn và thép không gỉ cán nguội (inox).

Tuy nhiên, chỉ trong giai đoạn 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra, áp dụng 18 biện pháp PVTM để bảo vệ hoạt động sản xuất của các ngành sản xuất trong nước, cụ thể là đối với các sản phẩm như phân bón DAP/MAP, bột ngọt (tự vệ và chống bán phá giá), các sản phẩm sắt thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình, tôn màu, nhôm thanh định hình, màng BOPP, sợi filament, đường lỏng HFCS, đường sản xuất từ mía.

Các biện pháp PVTM trên được nhận định là đã góp phần thực hiện chủ trương phát triển các ngành sản xuất trong nước, cụ thể là bảo vệ công ăn việc làm của gần 150.000 người lao động trong các lĩnh vực được bảo vệ.

Dẫn theo nguồn: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/vai-tro-cua-cac-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-trong-qua-trinh-hoi-nhap-330504.html

Trả lời