Dẫn chứng sai phạm Nhật Cường, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ 389 đề nghị xem xét trách nhiệm vụ của lực lượng chức năng để xảy ra buôn lậu kéo dài.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389Quốc gia) vừa có công văn gửi Ban Chỉ đạo tại các địa phương, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế… yêu cầu tăng cường công tác chống buôn lậu trong thời gian tới.
Văn bản do Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo thường trực 389 Quốc gia – Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký ngày 17/6.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định hiện nay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp, xảy ra trên tất cả các tuyến địa bàn. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các sai phạm còn ít.
Có những vụ việc xảy ra các sai phạm kéo dài trên địa bàn, điển hình như vi phạm tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường.
Nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu: Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố; các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn quản lý; kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thị trường nội địa; không để xảy ra tình trạng các vi phạm kéo dài, thành các đường dây, tụ điểm, nơi tập kết hàng lậu, hàng giả, gian lận nhãn mác Việt Nam trong nội địa.
Thực hiện phối hợp với Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan (nếu có) trong trường hợp để xảy ra vi phạm.
Trước đó, nhiều cửa hàng thuộc hệ thống Nhật Cường Mobile bất ngờ bị lực lượng cảnh sát thuộc Bộ Công an ập vào kiểm tra, khám xét.
Ngoài cửa hàng chính của Nhật Cường Mobile ở 33 Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cảnh sát còn khám xét các cửa hàng ở số 214 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), C4 Giảng Võ… Một số cửa hàng Nhật Cường Mobile khác ở Hà Nội đóng cửa.
Cùng lúc này, các số điện thoại đường dây nóng, tổng đài chăm sóc khách hàng, bán hàng, bảo hành cũng bị ngắt kết nối. Tối 9/5, toàn bộ các kênh truyền thông của Nhật Cường Mobile gồm fanpage và website đều không thể truy cập được.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5, trả lời câu hỏi của PV về việc ông chủ của Công ty TNHH Nhật Cường là Bùi Quang Huy bỏ trốn, trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết căn cứ vào tài liệu thu nhận được và trên cơ sở xác định Công ty TNHH Nhật Cường có dấu hiệu của hoạt động buôn lậu.
Do vậy, ngày 9/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có lệnh khám xét khẩn cấp và có gửi thông báo đến Viện KSND. Trong quá trình khám xét, cho đến khi vụ án được khởi tố (ngày 14/5), Bùi Quang Huy không có mặt trình diện và cũng không có mặt ở nơi cư trú.
Đến ngày 14/5, cơ quan CSĐT đã quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam với Bùi Quang Huy và 8 đối tượng khác có liên quan. Ngày 18/5, cơ quan CSĐT đã quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế với Bùi Quang Huy. Hiện nay, chúng tôi đã tiến hành điều tra, làm rõ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cũng đã kêu gọi Bùi Quang Huy ra đầu thú để được sự khoan hồng của pháp luật.
Chiều 28/5, thảo luận tại tổ về Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhiều đại biểu Quốc hội đã dẫn hàng loạt các vụ việc Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn để đề nghị bổ sung các quy định nhằm bao quát, ngăn ngừa khoảng trống trong quy định xuất nhập cảnh.
Hoàng Lâm/Sức Khỏe Cộng Đồng
Nguồn : tintucvietnam.vn.