Bệnh viện Thẩm mỹ Thu Cúc: Hệ lụy từ các chiến lược truyền thông “gây sốc”

Hiện nhiều doanh nghiệp lựa chọn quảng cáo theo “trend”, gây sốc, đánh vào tâm lý chung của khách hàng là thích những gì nổi bật. Tuy nhiên, lâu dài nếu chỉ chạy theo lối mòn và có phương pháp quảng cáo mang tính sai lệch, sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của doanh nghiệp thậm chí tạo ra những hoài nghi.

Là một trong những thương hiệu được khá nhiều người biết đến, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc dường như cũng không bỏ qua xu hướng trong việc quảng cáo gây sốc này trong các hoạt động truyền thông, marketing của mình. Nổi bật hơn và được phổ rộng hình ảnh nhờ những chiến lược quảng cáo “độc” và “lạ”. Thế nhưng nhiều người lại cho rằng Bệnh viện Thu Cúc đang “quá trớn” khi sử dụng phương pháp truyền thông “gây sốc” để quảng bá hình ảnh?

Nhìn lại hàng loạt những vụ lùm xùm trong quảng cáo của bệnh viện Thu Cúc thời gian qua sẽ phần nào thấy được những hệ lụy xấu, những mặt trái có thể xảy ra của việc quảng cáo quá trớn, bất chấp hình ảnh thương hiệu.

Slogan gây sốc: “Công nghệ tối tân – biết ngay án tử”?

Theo một hình ảnh quảng cáo được cho là của Bệnh viện Thu Cúc gần đây, đơn vị này quảng cáo rằng “công nghệ tối tân biết ngay án tử” với ý tứ nhiều người khiểu rằng khi khách hàng đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc sẽ biết ngay án tử của mình.

Công nghệ tối tân để phát hiện án tử cho bệnh nhân mà bệnh viện Thu Cúc nhắc đến được cho là ý nói đến các thiết bị như: Máy chụp cộng hưởng từ MRI… những thiết bị mà các bệnh viện đầu ngành nào cũng có.

Quảng cáo có phần Quảng cáo có phần “đao to búa lớn” của Bệnh viện Thu Cúc

Bày tỏ quan điểm về điều này, nhiều ý kiến cho rằng, có thể bệnh viện Thu Cúc có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại nhưng cách mà họ lựa chọn quảng cáo với các câu từ “đao to búa lớn” là không phù hợp.

Ở một khía cạnh khác, việc sử dụng cụm từ “ÁN TỬ” trong quảng cáo các dịch vụ khám chữa bệnh là không phù hợp. Điều này dễ tạo ra tâm lý bất ổn cho bệnh nhân. Vì vậy, nhiều người đánh giá quảng cáo trên của Thu Cúc là “doạ nạt” người bệnh, lấy nỗi sợ của người bệnh để kiếm tiền.

Đăng tải clip “lộ” ngực phản cảm, khách hàng nhập viện vì làm đẹp tại Thu Cúc?

Trước đó, bệnh viện Thu Cúc cũng đã một phen khiến cho nhiều người giật mình khi trong một số quảng cáo và trên trang Youtube của đơn vị này đăng tải nhiều clip để lộ “vòng 1’’ của khách hàng nữ, nhằm mục đích quảng cáo quá trình nâng cấp kích thước vòng ngực.

Thậm chí, nhiều clip phản cảm hơn khi xuất hiện hình ảnh các bác sỹ nam giới dùng tay động chạm vào vùng ngực của khách hàng nữ nhằm mục đích PR cho sản phẩm vừa hoàn thiện theo cách khó có thể chấp nhận.

Vào tháng 9 năm 20219, một nữ bệnh nhân cũng đã có nội dung phản ánh về việc mình phải nhập viện khẩn cấp vì bị mưng mủ (áp xe) sau khi thực hiện dịch vụ triệt lông nách tại một cơ sở Thu Cúc ở Bắc Ninh. Cụ thể theo thông tin phản ánh, chị Nguyễn Thị N. sau khi tin tưởng những lời quảng cáo trên mạng, đã đến cơ sở Thu Cúc Clinic Bắc Ninh (địa chỉ: 115 đường Nguyễn Gia Thiều, huyện Suối Hoa, tỉnh Bắc Ninh) để thực hiện dịch vụ triệt lông nách.

Tuy nhiên, sau 3 ngày thực hiện triệt lông nách chị N. thấy vùng nách xuất hiện mụn nhọt, đau rát và mưng mủ. Chị N. đã thông báo với cơ sở Thu Cúc Clinic và được một nhân viên tại đây trả lời rằng không sao rồi cho một tuýp thuốc mang về bôi.

Do quá lo lắng vì tình trạng mưng mủ bị loang rộng, sưng tấy, ngày 21/8/2019 chị N. đã đến Bệnh viện Quân Y 110 Bắc Ninh để kiểm tra. Tại đây, bước đầu chuẩn đoán chị N. bị áp xe nách phải do triệt lông gây bít tắc lỗ chân lông. Chia sẻ với báo chí, nữ bệnh nhân này cho biết: “Tôi vô cùng thất vọng vì cách chăm sóc khách hàng của Thu Cúc. Khi phát hiện ra biến chứng sau quá trình triệt lông, tôi đã 3 lần đến lại cơ sở Thu Cúc Clinic để yêu cầu Thu Cúc trả lời nhưng phía Thu Cúc Clinic không xin lỗi, không nhận trách nhiệm, họ chỉ nhận điều trị thâm sau phẫu thuật, họ đổ lỗi do nội tiết tố của tôi gây nên”.

Bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội tuýt còi vì quảng cáo “khám chữa bệnh thông tuyến” 

Không chỉ vướng những lùm xùm xung quanh các quảng cáo và dịch vụ, thương hiệu bệnh viện Thu Cúc cũng được nhắc tới trong câu chuyện bảo hiểm xã hội.

Văn bản Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội gửi Công ty cổ phần Y khoa & Thẩm mỹ Thu Cúc ngày 31/07/2019Văn bản Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội gửi Công ty cổ phần Y khoa & Thẩm mỹ Thu Cúc ngày 31/07/2019

Vào năm 2019, Công ty CP Y khoa & Thẩm mỹ Thu Cúc quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc “khám chữa bệnh thông tuyến”, người bệnh không cần giấy chuyển tuyến, vẫn khám, chữa bệnh tại bệnh viện với mức phí chi trả trái tuyến như đúng tuyến.

Trước sự việc này, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đã nhanh chóng gửi văn bản đề nghị Công ty cổ phần Y khoa & Thẩm mỹ Thu Cúc nghiêm túc thực hiện khám chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp công ty có các biểu hiện thu dung người có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh bằng nhiều hình thức nhằm trục lợi quỹ KCB BHYT, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội sẽ chấm dứt hợp đồng KCB BHYT với Công ty cổ phần Y khoa & Thẩm mỹ Thu Cúc.

Hệ luỵ nào cho các chiến lược truyền thông “gây sốc”?

Quảng cáo thành công nếu duy trì được sức hấp dẫn với khách hàng bởi nội dung thú vị nhưng vẫn cần phải tôn trọng người xem và tuân thủ pháp luật.Với những quảng cáo phản cảm có thể sẽ gia tăng lượng khách hàng và người xem trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, những hình ảnh “trần trụi”, dung tục, thiếu tinh tế sẽ làm ảnh hưởng xấu tới thương hiệu. Khán giả sẽ có góc nhìn tiêu cực về đơn vị nếu để những hình ảnh, clip mang tính chất “khoe thân” như vậy xuất hiện thường xuyên trên các mặt báo, mạng xã hội, internet. 

Nếu quảng cáo dùng sự lừa gạt, thổi phồng hoặc lố bịch để thu hút sự chú ý của công chúng thì cũng phải chấp nhận việc sau đó công chúng sẽ nhận ra và lãng quên nhanh chóng vì trên thực tế nội dung đó không hay, không thiết thực, không có ích với họ.Để luôn giữ vững hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng mà vẫn tạo được “nét riêng” trên thị trường ngành công nghiệp thẩm mỹ quả là chuyện chẳng dễ dàng.

Quảng cáo “sai sự thật” gây hiểu nhầm cho khách hàng về dịch vụ của doanh nghiệp, tạo nên sự hoài nghi và đánh giá tiêu cực về uy tín của công ty, doanh nghiệp đó. Sự “thiếu tôn trọng” khách hàng sẽ đạp đổ hình ảnh thương hiệu. Theo quy định của Pháp luật, các hành vi “Quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam” đều bị cấm.

Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 có quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo gồm: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Quy định là thế nhưng việc đăng tải những clip quảng cáo phản cảm, những quảng cáo “nổ” vẫn diễn ra mà chưa có sự can thiệp triệt để của các cơ quan chức năng. 

 

Theo Phượng Hoàng/taichinhdoanhnghiep.net.vn
Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/benh-vien-tham-my-thu-cuc-he-luy-tu-cac-chien-luoc-truyen-thong-gay-soc-d20749.html

Trả lời