Tình trạng nhập lậu xe đạp điện rồi phù phép sản xuất tại Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là một điển hình của chiêu trò gian lận xuất xứ. Liệu việc xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam có bịt được kẽ hở này?
Theo đánh giá, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ gần 1 triệu chiếc xe đạp điện, xe máy điện, thế nhưng chỉ có khoảng 290.000 phương tiện được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Nỗi lo xe điện lậu “phù phép” xuất xứ
Và điều mà các doanh nghiệp (DN) Việt đang sản xuất trong lĩnh vực này phải đối mặt là có nhiều sản phẩm xe điện (chủ yếu là xe đạp điện) lậu, xe không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Vấn đề được đặt ra là một lượng lớn xe đạp điện, xe máy điện nhập khẩu vào Việt Nam liệu có bị “thả nổi” nếu qua mặt được cơ quan chức năng kiểm tra và quản lý về chất lượng, bán ra thị trường với số lượng lớn?
Cảnh báo về tình trạng nhập lậu xe đạp điện từ Trung Quốc được “phù phép” sản xuất tại Việt Nam để bán ra thị trường. |
Điển hình như trong tháng 9 vừa qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã phát hiện một cửa hàng ở TP Thuận An đang nhập hàng nghìn phụ tùng xe đạp điện như bình ắc quy, cục sạc bình ắc quy… Lô hàng được nghi ngờ là nhập từ Trung Quốc, không ghi nhãn phụ, tổng trị giá lô hàng ước khoảng 200 triệu đồng.
Giới chuyên gia cho biết có tới 90% các loại xe đạp và linh kiện trên thị trường đều không rõ nguồn gốc, nhập lậu theo con đường tiểu ngạch. Các loại xe bán trên thị trường không có tem hợp quy, không đầy đủ giấy tờ hóa đơn cũng như nguồn gốc xuất xứ.
Chưa kể, có một số đơn vị lắp ráp tại Việt Nam nhập khẩu các linh kiện xe máy điện và khai giá thấp. Điều đáng lo ngại là có tình trạng nhập lậu xe đạp điện từ Trung Quốc về, sau đó được “phù phép” bằng việc làm giả các giấy tờ chứng minh về nguồn gốc xuất xứ để bán ra thị trường hoặc xuất khẩu (XK) đi các nước khác.
Hồi quý II/2020, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, xe đạp điện là một trong những mặt hàng trong danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM), điều tra lẩn tránh thuế.
Đặc biệt là khi xe đạp điện của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, bị thị trường Mỹ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974.
Trong khi đó, kim ngạch XK xe đạp điện của Việt Nam sang EU đã tăng từ 74 triệu Euro năm 2018 lên 87,5 triệu Euro năm 2019; xuất khẩu xe đạp điện sang Mỹ tương ứng tăng từ 4,5 triệu USD lên 18,6 triệu USD.
Chia sẻ với giới DN ở Tp.HCM gần đây về vấn đề PVTM trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết, xe đạp là một trong những mặt hàng có nguy cơ cao.
Chờ Nghị định “sản xuất tại Việt Nam”
Theo bà Giang, thời gian qua, Cục PVTM đã nhận được khá nhiều thông tin từ đại diện của Phái đoàn EU tại Việt Nam đề nghị làm rõ tình trạng XK xe đạp sang EU. Trong đó, phía EU đề nghị kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và đưa ra cảnh báo về việc XK của Việt Nam đang tăng nhanh. Một số DN của EU cho rằng hàng hóa của Việt Nam đã gây thiệt hại tới sản xuất của họ.
Không chỉ với mặt hàng xe đạp điện, việc gian lận xuất xứ ở nhiều ngành hàng khác vẫn là nỗi ám ảnh lớn với các DN sản xuất chân chính ở trong nước, khiến cho các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại đối với hàng hóa XK của Việt Nam tiếp tục gia tăng.
Ông Nguyễn Phương Nam – Phó cục trưởng Cục PVTM cho biết, tính đến hết tháng 9/2020, đã có 193 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thuỷ sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ… Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2020, số lượng vụ việc đã lên tới 29 vụ, cao gấp 1,8 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.
Đặc biệt, ông Nam lưu ý, EVFTA đã chính thức có hiệu lực (từ 1/8/2020), EU sẽ miễn thuế cho phần lớn hàng hóa XK của Việt Nam. Điều này vừa có lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK của Việt Nam, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về thương mại như gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế.
Để siết chặt việc gian lận xuất xứ, nhiều chính sách đã được đề ra. Mới đây nhất, trong tháng 9/2020, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Điều này được cho là rất cần thiết nếu nhìn vào thực trạng của mặt hàng xe đạp điện, hay những cảnh báo về gian lận xuất xứ trong XK. Trên thực tế, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định cách xác định như thế nào là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam”.
Đặc biệt là một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc, nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.
Dẫn theo nguồn: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/bit-ke-ho-gian-lan-xuat-xu-hang-viet-328839.html