Bộ trưởng Tô Lâm: Đưa ra khỏi ngành cán bộ, chiến sĩ bảo kê tội phạm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh chủ trương của Bộ Công an là kiên quyết loại trừ ra khỏi lực lượng các chiến sĩ vi phạm, bảo kê tội phạm, nhưng đồng thời cũng bảo vệ anh em trong trường hợp bị vu khống, xuyên tạc.

                                     Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một số cán bộ công an đã bảo kê, thậm chí hợp tác với tội phạm

Vừa qua, Bộ Công an đã có những công tác nêu cao trách nhiệm địa phương để chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện nghiêm trách nhiệm của lực lượng công an tại địa phương.

Riêng việc đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn về việc có hay không sự bảo kê của cán bộ, chiến sĩ công an đối với các loại tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Nhiều đối tượng phạm tội có đủ các hành vi để tiếp cận, nhằm vô hiệu hóa lực lượng công an.

“Từ làm quen, dụ dỗ, mua chuộc, dùng vũ lực với cán bộ, chiến sĩ, không chỉ chiến sĩ công an mà vợ con, người thân, gia đình họ cũng phải chịu áp lực. Khi không mua chuộc được thì các đối tượng vu khống, hạ uy tín. Quá trình đó, có những chiến sĩ không chịu được áp lực đã có mối quan hệ để tạo điều kiện, bảo kê, thậm chí hợp tác với tội phạm”, ông Tô Lâm chia sẻ.

Ông Tô Lâm nhấn mạnh chủ trương của Bộ Công an là kiên quyết loại trừ ra khỏi lực lượng các cán bộ, chiến sĩ vi phạm, bảo kê tội phạm, nhưng đồng thời cũng bảo vệ anh em trong trường hợp bị vu khống, xuyên tạc.

“Dứt khoát phải xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ công an bảo kê tội phạm, không có vùng cấm cho hành động bảo kê”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Về vấn đề phòng chống tội phạm công nghệ cao hiện nay được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: “Vấn đề này có nhiều nội dung rất đáng quan tâm, thách thức, có diễn biến phức tạp, tác động đến trong nước vì là tội phạm xuyên biên giới, tính nặc danh cao. Lực lượng công an khởi tố hàng trăm vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao trong năm qua. Tuy nhiên cần phải nhìn nhân công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều sơ hở. Đây không còn là vấn đề quốc gia mà vấn đề của thế giới. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực, máy móc thiết bị của lực lượng đấu tranh với tội phạm này còn nhiều hạn chế”.

Đã luân chuyển, thay thế một số giám đốc công an địa phương

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về trách nhiệm và giải pháp của ngành công an đối với công tác phòng chống tội phạm hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: “Bộ Công an là cơ quan thường trực trong đấu tranh phòng chống tội phạm, để xảy ra tội phạm có trách nhiệm của lực lượng công an và người đứng đầu. Bên cạnh công tác đấu tranh, triệt phá thì mục tiêu cao hơn nữa là phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm”.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, những tháng đầu năm 2019, tỷ lệ tội phạm đã giảm xuống. Bộ cũng đã bố trí, thay thế, kỷ luật một số giám đốc công an các tỉnh để xảy ra tội phạm cao. Đồng thời, có nhiều nơi cũng đã làm tốt vấn đề này. Việc này cũng được phân cấp ở công an các cấp từ cấp cơ sở trở lên.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội) về tình hình tội phạm xã hội đen và trẻ em có gia tăng hay không, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, nhóm tội phạm này hiện nay đều có dấu hiệu gia tăng, phát hiện nhiều hơn trước và chưa bao quát hết.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đề nghị cho biết giải pháp phòng ngừa ma túy trong thanh thiếu niên thời gian tới. Hiệu quả thực sự của cai nghiện và sau cai nghiện hiện nay?

Trả lời câu này, Bộ trưởng cho biết: Các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy đang nhằm vào thanh niên, học sinh, sinh viên; nhắm vào một số gia đình ít quan tâm đến con cái hay gia đình bố mẹ kinh doanh làm ăn. Công tác đưa người trẻ vào cai nghiện rất khó khăn.

Theo kế hoạch, Bộ Công an đang tiến hành tổng kết, đánh giá Luật Phòng chống ma túy để báo cáo Quốc hội, qua đó tiến hành sửa đổi, bổ sung luật này, trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua vào cuối nhiệm kỳ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) đặt câu hỏi: “Tại sao khi khởi tố một số vụ án kinh tế lớn nhưng đối tượng đã kịp bỏ trốn? Có hay không việc để lộ, lọt thông tin cho đối tượng bỏ trốn?”.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Bộ tiếp tục tăng cường các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an sao cho vẫn bảo đảm quyền công dân nhưng cũng không làm oan người vô tội trong quá trình tố tụng của lực lượng chức năng.

90% người tái nghiện ma túy sau khi cai

Về hiệu quả của công tác cai nghiện, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung được Chủ tịch Quốc hội đề nghị phát biểu về tình hình công tác cai nghiện hiện nay.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện cả nước có 120 cơ sở cai nghiện, trong đó có 195 cơ sở công lập. Các cơ sở cai nghiện được quản lý tốt hơn về cắt cơn, điều trị, dạy nghề đối với người nghiện.

Hầu hết các cơ sở cai nghiện đều quá tải gấp 2 lần, có nơi 4 lần, hầu hết là người có tiền án, tiền sự, phác đồ điều trị khác nhau, cán bộ có chuyên môn y tế còn ít. Từ việc quá tải tại cơ sở cai nghiện dẫn đến phá trại, phá trung tâm của người nghiện.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn đánh giá: Chất lượng và hiệu quả cai nghiện thấp, 90% tái nghiện, đa số rơi vào thanh niên.

Giải pháp của vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết là phải giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại, quản lý giáo dục chặt chẽ tại gia đình, cộng đồng, không để thanh niên đi vào con đường nghiện ngập, thực hiện đồng bộ 3 mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện bắt buộc.

Theo Lê Sơn/baochinhphu.vn

 

 

Trả lời