Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản facebook, zalo, youtube công khai rao bán các loại thuốc gia truyền, lợi dụng lòng tin của người bệnh để trục lợi. Những bài thuốc gia truyền này được giới thiệu như là “thần dược” có thể chữa bách bệnh và được rao bán với mức giá cắt cổ.
Với từ khóa “thuốc Đông y gia truyền”, người tiêu dùng sẽ tìm được hàng loạt cửa hàng thuốc gia truyền trên mạng xã hội facebook, enbac.com, vatgia.com…
Các “nhà thuốc online” này đều mạnh dạn quảng cáo rằng có thể chữa đủ các loại bệnh từ tăng cân, giảm cân, viêm đại tràng, gan, thận… hay thậm chí là những căn bệnh mà y học hiện đại cũng chưa tìm ra phương pháp như ung thư hay tiểu đường…
Với từ khóa Đông y gia truyền, người tiêu dùng có thể tìm kiếm hàng trăm nhà thuốc online trên mạng xã hội
Để chiếm được lòng tin của khách hàng, các cơ sở nói trên còn gắn vào các toa thuốc của mình thêm cái đuôi “gia truyền”. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần để lại số điện thoại là ngay lập tức có người liên hệ và đặt lịch tư vấn. Việc thăm khám và bốc thuốc hiển nhiên sẽ được những lương y không rõ danh tính, tên tuổi này hướng dẫn qua… điện thoại.
Không những vậy, dù không được cấp phép sản xuất thuốc nhưng nhiều nhà thuốc vẫn ngang nhiên quảng cáo rằng có nhiều cơ sở trên hàng chục các tỉnh thành. Đặc biệt, các nhà thuốc này không ngần ngại “nổ” rằng “sản phẩm đã được Bộ Y tế chứng nhận an toàn” với việc đăng lên hàng loạt văn bản có dấu đỏ do các cơ quan tuyến Bộ cung cấp.
“Có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều người bệnh trên thực tế đã tin và sử dụng các sản phẩm của các nhà thuốc online này.
Anh Trần Quốc Việt (quê Đắk Lắk) chia sẻ: “Tôi bị viêm xoang đã 2 năm nay, căn bệnh khiến tôi khổ sở bởi tình trạng nghẹt mũi thường xuyên, có đêm nằm ngủ tôi phải dùng miệng để thở. Nhất là những khi trở trời, chiếc mũi của tôi lại như “máy dự báo thời tiết” vậy. Thấy chia sẻ của một bạn trên facebook về một bài thuốc có thể chữa dứt điểm căn bệnh này tôi đánh liều để lại số điện thoại. Chưa đầy 10 phút sau, có người tự nhận là lương y ở phòng mạch liên hệ và khẳng định có thể chữa khỏi bệnh cho tôi chỉ trong 1 liệu trình (30 ngày)”.
Theo anh Việt, một liệu trình như vậy anh phải uống đến 20 toa thuốc và số tiền phải trả cho 20 toa đó lên đến hơn 10 triệu đồng. Đáng chú ý, trên bao bì thuốc mà anh Việt nhận được từ vị lương y nói trên không ghi rõ địa chỉ phòng khám mà chỉ ghi đơn giản: “Phòng khám nằm ở quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội”. Và tất nhiên cũng sẽ chẳng có tên lương y kê đơn, thành phần thuốc, đặc biệt không có hướng dẫn sử dụng.
“Sau một liệu trình điều trị, căn bệnh viêm xoang của tôi vẫn không có biểu hiện khá lên. Tôi quyết định gọi điện thoại đến phòng mạch để được hướng dẫn thì nhận được câu trả lời: “Anh chưa sử dụng thuốc đúng cách và cần phải sử dụng tiếp một liệu trình nữa mới hiệu quả” – anh Việt nói tiếp.
Liên quan đến vấn đề này, lương y Trần Quang Việt, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Bình Tân xác nhận, việc một số người lạm dụng mạng xã hội để quảng cáo những bài thuốc gia truyền là không hiếm. Bên cạnh những bài thuốc hiệu quả vẫn còn những bài thuốc không rõ nguồn gốc và tất nhiên hiệu quả mang lại là không có.
Về vấn đề nhiều người tự nhận là lương y thường xuyên thăm khám và bốc thuốc cho bệnh nhân qua… điện thoại, lương y Trần Quang Việt cho rằng đây là điều cấm kỵ. Bởi cơ địa của mỗi người là khác nhau và tùy căn bệnh mà có nhiều thể bệnh khác nhau. Nếu muốn biết chính xác tình trạng bệnh của bệnh nhân thì cần gặp trực tiếp, nhất là điều trị theo Đông y thì càng phải cẩn thận trong việc thăm khám.
Trong khi đó, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm (Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam) khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin các cơ sở đông y đang quảng cáo trên mạng xã hội.
Ông Siêm chia sẻ: “Đã là thuốc thì cần thận trọng, vì dù thuốc Đông y có lành tính nhưng nếu hàm lượng thuốc thừa hoặc thiếu so với quy định cũng gây độc hại cho người dùng. Cũng cần phải biết, để được chứng nhận là cơ sở Đông y gia truyền thì một cơ sở phải có 3 đời làm nghề Đông y, được trạm y tế, chính quyền địa phương xác nhận, sau đó Sở Y tế cấp phép, cấp giấy chứng nhận lưu hành thì mới đủ điều kiện kinh doanh thuốc”.
Không chỉ thuốc đông y, hiện tại nhiều mặt hàng liên quan đến bảo vệ sức khỏe như sữa, thực phẩm chức năng, thậm chí là thuốc chữa bệnh cũng đang nhiễu loạn thông tin trên thị trường. Người tiêu dùng cần hết thức thận trọng, tìm hiểu kỹ càng về xuất xứ và chất lượng của sản phẩm trước khi quyết định sử dụng, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang.