Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1944/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030.
Tăng cường phòng, chống tội phạm trong tình hình mới |
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là chủ động phòng ngừa, tiếp tục làm giảm tội phạm, năm sau giảm so với năm trước; giảm tỉ lệ tái phạm tội; giảm ít nhất 5% các tội phạm xâm hại trẻ em so với giai đoạn 2016-2020. Tỉ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm hằng năm đạt trên 75%; các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số vụ án khởi tố. Bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã hiện có và phấn đấu bắt 50% số đối tượng truy nã phát sinh.
Nâng cao chất lượng xét xử
Chương trình đặt mục tiêu bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỉ lệ giải quyết đạt trên 90%. Truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố, bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%. Nâng cao chất lượng xét xử, tỉ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%. Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tiêu cực, nâng tỉ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước; nâng tỉ lệ thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt trên 60%; bảo đảm 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đều được chuyển ngay đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tập trung thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu tỉ lệ chuyển hóa thành công hằng năm đạt từ 60% trở lên; 85% các địa bàn đã chuyển hóa thành công không tái phức tạp trở lại.
Kiện toàn các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm bảo đảm gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đi vào thực chất; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan bảo vệ pháp luật bảo đảm năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Phòng ngừa từ sớm, từ xa
Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ của Chương trình đặt ra là nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; chủ động phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm nhằm giảm bền vững các loại tội phạm và giảm tỉ lệ phạm tội lần đầu. Trong đó, tổ chức rà soát, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, không để tội phạm lợi dụng các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh để trục lợi, vi phạm pháp luật.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các hình thức tuyên truyền phòng, chống tội phạm, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, người lao động, học sinh, sinh viên… ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển đảo.
Thường xuyên mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm
Chương trình thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tấn công trấn áp, điều tra, xử lý tội phạm. Cụ thể, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả 15 đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để hoạt động, tội phạm về ma túy, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm về môi trường, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, tội phạm liên quan đến kinh doanh đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản….
Theo Vũ Phương Nhi/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn:https://baochinhphu.vn/Phap-luat/Tang-cuong-phong-chong-toi-pham-trong-tinh-hinh-moi/453462.vgp