Trong bối cảnh nguồn thu quảng cáo của báo chí tiếp tục dịch chuyển sang các nền tảng truyền thông mới, chuyển đổi số được xem là hướng đi sống còn với báo chí. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là một nội dung, chuyển đổi số phải thay đổi cả mô hình tổ chức và tâm thế làm báo.
Vừa chịu thiệt, vừa giảm nguồn thu
Tính đến hết năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí. Tuy nhiên, doanh thu liên tục đi xuống trong 2 năm trở lại đây. Cụ thể, số liệu từ 159 cơ quan báo chí in và điện tử cho thấy, nếu doanh thu 2020 đang ở mức 3.115 tỷ đồng thì năm 2021 con số này chỉ còn 2.123 tỷ đồng, giảm 31,4%.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do báo chí trong nước đang tụt hậu và kém cạnh tranh, ngay cả trong mảng cốt lõi là “tin tức” so với các mô hình truyền thông mới, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google… Vì vậy, chuyển đổi số được xem là hướng đi sống còn với báo chí nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời gian tới.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm khẳng định, chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ và nhanh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, báo chí cũng không thể nằm ngoài xu hướng này. Chỉ có chuyển mình theo hướng hiện đại thì báo chí trong nước mới có thể tiếp tục phát triển.
“Trong những năm gần đây, nguồn thu quảng cáo của báo chí tiếp tục dịch chuyển sang các nền tảng truyền thông mới, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới. Không dừng lại ở đó, báo chí trong nước đang phải chịu thiệt hại khi chưa được các nền tảng trên chia sẻ thỏa đáng doanh thu từ khai thác thông tin mà mình sản xuất. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng này”- ông Trần Thanh Lâm chia sẻ.
Phó Giám đốc Netcore Việt Nam Phùng Tấn Cường cho biết, không chỉ báo chí trong nước mà trên cả thế giới, nhiều tờ báo đang phải đối mặt với với việc làm sao để ứng dụng hiệu quả công nghệ nhằm tạo ra nguồn thu. Bên cạnh đó, sức ép từ các loại hình thông tin khác đang ngày một lớn.
Theo thống kê, nhu cầu sử dụng Internet của người dùng Việt Nam đang là 6,4 tiếng mỗi ngày, trong đó 1/2 thời gian được sử dụng để đọc tin tức. Tuy nhiên việc vào đọc tin tức trên các trang báo mạng chỉ là thứ yếu mà thay vào đó người dùng sẽ đọc qua mạng xã hội. Việc đọc tin tức trên báo chí chỉ xếp thứ 8 trong các ưu tiên của người dùng mạng, thua xa truy cập mạng xã hội, thậm chí là nói chuyện qua các ứng dụng nhắn tin. Điều này cho thấy, hiện tại báo chí không phải là lựa chọn hàng đầu khi người dùng truy cập Internet, do đó, báo chí đang phải đối đầu với nhiều dịch vụ mạng mới. Cuộc chiến này ngày nay nằm ở trên chiếc điện thoại và doanh thu cũng chính từ đó mà ra.
Chấp nhận sự tương tác, giám sát từ cộng đồng
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Việt Nam có một thị trường lớn gần 100 triệu dân. Tiềm năng sáng tạo và dư địa phát triển cho một thị trường báo chí và nội dung số của người Việt là vô cùng lớn và chúng ta có khá đủ các luật lệ để quản lý và thúc đẩy phát triển báo chí và thị trường nội dung giải trí. Thế nhưng, 80% doanh thu quảng cáo trên mạng thuộc về Facebook, Google, TikTok, với doanh số hàng năm xấp xỉ 1 tỉ USD tại thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều cơ quan đã có ý thức về chuyển đổi số; nhưng có điều lo ngại là họ chỉ nghĩ đơn giản rằng có trang web, trang điện tử đã là lên không gian số. Hiện một số báo cũng đã mở chức năng comment cho độc giả, nhưng không nắm được dữ liệu của độc giả, như vậy vẫn là chuyển đổi số chưa thành công, mới chỉ ở bề mặt.
Theo đó, cần có sự thay đổi từ mô hình tổ chức đến làm báo. Các cơ quan báo chí phải chấp nhận sự tương tác, giám sát thậm chí lắng nghe phản biện rất mạnh từ cộng đồng và chúng ta cũng không phải là nguồn duy nhất phát thông tin nữa. Vì vậy, phải chuẩn bị cho một tâm thế làm báo kiểu khác, đây là điều mà nhiều cơ quan chưa sẵn sàng.
“Điều khó nhất là chúng ta chưa dám “đụng vào” là mô hình tổ chức vì điều này liên quan đến con người, quyền lợi và rất nhiều vấn đề. Bởi vậy, nhiều cơ quan kể cả cơ quan lớn nói về chuyển đổi số để trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện rất hay, nhưng mô hình tổ chức gần như giữ nguyên. Chúng ta phải chấp nhận sẽ có những bộ phận nếu không thay đổi sẽ không còn chỗ trong cuộc chơi chuyển đổi số”, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Nhà nước có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số với các cơ quan báo chí. Cụ thể là Nhà nước tham gia hỗ trợ, dẫn dắt trong những vấn đề mà tự cơ quan báo chí không thể làm được, nhất là đầu tư nhà nước vào hạ tầng cho báo chí trên không gian số.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh khẳng định, chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực số hoá.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về chuyển đổi số khi cho rằng chỉ cần đầu tư thiết bị công nghệ, một số chương trình phần mềm và cho đó là đã thực hiện chuyển đổi số. Nhưng vấn đề không phải như vậy.
“Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn”, ông Lê Quốc Minh khẳng định.
Bên cạnh đó, để chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital cũng như tạo được môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn.
Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hoá nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí phải có suy nghĩ hết sức nghiêm túc về vấn đề này, phải đánh giá được nhu cầu của mình, phải xác định được con đường mình muốn đi, xác định mục tiêu hướng tới, từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp.
Theo dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì và xây dựng, đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí…
Cũng tới thời điểm trên, 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân. |