Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh:VGP/Nhật Bắc |
Ngày 16/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động, kịp thời nghiên cứu xây dựng Chương trình hành động và phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động trong toàn hệ thống. Đây là một việc làm rất thiết thực, thể hiện tinh thần quyết tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên nhằm cụ thể hoá và sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là công việc hết sức cần thiết và hệ trọng, phải được thực hiện một cách rất nghiêm túc, quyết liệt, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ. Ở đây, vai trò, vị trí, hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là vô cùng quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ đất nước theo tinh thần của Cương lĩnh Chính trị, các văn kiện quan trọng khác mà Đại hội XIII của Đảng vừa quyết định đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, đoàn kết thống nhất chặt chẽ hơn nữa để phấn đầu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Với vai trò là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị, có trách nhiệm vẻ vang trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị của đất nước trong giai đoạn mới, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ phải là ba chân kiềng vững chắc của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta, Tổ quốc ta.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tiếp tục tổng kết, đúc kết kinh nghiệm, đào sâu nghiên cứu, đề ra các giải pháp mới đối với 5 yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản.
Cụ thể, Thứ nhất, tiếp tục tăng cường xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ trung tâm của Mặt trận.
Theo đó, cần tiếp tục nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Do đó, một trong những nhiệm vụ bao trùm, quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam là phải tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thứ hai, phát huy sức mạnh sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của Mặt trận trong việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.
Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Muốn làm được như vậy, MTTQ cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cấp chính quyền động viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò đoàn kết các giai tầng, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi và vận động, lôi cuốn để nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động; phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước.
Thứ ba, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần phát huy mạnh hơn nữa vai trò tiên phong trong việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh.
Để xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì cần phải thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân. Phải thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; làm tốt, có hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội cần phát huy làm tốt vai trò làm nòng cốt để nhân dân làm chủ…
Phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Luôn đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân để dân tin, dân tôn trọng và phải tin dân, tôn trọng dân.
Thứ tư, về công tác xây dựng nội bộ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, kiện toàn, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đây là nhiệm vụ then chốt để Mặt trận đạt được mục đích, yêu cầu đã đề ra. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm và chất lượng của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; sâu sát với dân, thật sự thiết thực, hiệu quả.
Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Coi trọng việc nhân rộng các điển hình tốt, phê phán những việc làm chưa tốt, khắc phục bệnh hình thức.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới và nâng cao sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức có liên quan với hoạt động của Mặt trận. Đây là điều kiện, là đòi hỏi cần thiết, trong đó sự lãnh đạo của Đảng là cực kỳ quan trọng.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, do đó phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các tổ chức thành viên. Đảng ta vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên của Mặt trận; Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua việc phát huy vai trò thành viên của Mặt trận chứ không đứng ngoài, đứng trên để lãnh đạo Mặt trận.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VGP/Nhật Bắc. |
Nhận thức sâu sắc về vai trò của công tác Mặt trận trong tình hình mới
Từ 5 nhiệm vụ trọng tâm nói trên, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở các cơ quan Trung ương, mỗi cấp uỷ, chính quyền cần phải làm gì để thực hiện cho bằng được mục tiêu xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa đề ra?
Trước hết, mỗi cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác Mặt trận trong tình hình mới; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước về thực hành phong cách dân vận theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực sự vì nhân dân phục vụ vì lợi ích của nhân dân để làm việc. Phải thật sự thấm sâu lời dạy của Bác Hồ: “Làm công bộc của Dân”, “Làm đầy tớ nhân dân chứ không phải làm quan nhân dân”, không phải trước mặt dân cứ viết lên trán hai chữ “Cộng sản” mà người ta nể sợ. Muốn vận động nhân dân thì trước hết mỗi công chức, đảng viên phải thực sự gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đi đầu hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động do Mặt trận và các đoàn thể phát động, thông qua hoạt động của Mặt trận và đoàn thể để đến với nhân dân, chúng ta cần xem đó là cơ hội để gần dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân; kiểm nghiệm xem các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có đến được với nhân dân hay không, có thuận lòng dân hay không? Đồng chí nào thờ ơ với hoạt động của Mặt trận, đoàn thể thì cũng đồng nghĩa với xa rời quần chúng nhân dân.
“Phải tiếp xúc với dân chân thực, đừng tiếp xúc hình thức, không được mị dân, theo đuôi quần chúng. Phải tôn trọng dân thật sự, lắng nghe nhân dân và làm theo mong muốn của nhân dân một cách thật lòng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Cùng với đó, các cấp uỷ từ Trung ương đến cơ sở cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, công tác vận động, đoàn kết nhân dân cần phải có sự đầu tư xứng đáng và dựa trên cơ sở nhận thức mới. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Tổng Bí thư đề nghị các cấp uỷ chỉ đạo, rà soát đánh giá tổng thể việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các chủ trương về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và về công tác Mặt trận.
“Nhân đây, tôi đề nghị các cơ quan tham mưu nghiên cứu đề xuất để tiến tới tổng kết đánh giá 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Từ việc đánh giá tổng kết, tiến tới xây dựng một chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư phát biểu…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội, tạo điều kiện thật tốt để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, giám sát trực tiếp và giám sát thông qua vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Mặt khác, các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
“Với truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao, tôi tin tưởng và mong rằng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên nhiệm kỳ này sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ./.