Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu không được chủ quan với bão số 10 – Ảnh: VGP/Đoàn Bắc |
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tại, bão số 10 (Goni) đang có cường độ mạnh cấp 8; trong ngày 3/11, với tác động của cao nhật nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tiếp tục gia tăng nên bão có thể tăng cường độ, đạt cấp 9. Ngày 4/11, khi vào trong với tác động của nhiệt lực, bão có khả năng giảm cấp. Đến ngày 5/11, bão ảnh hưởng trực tiếp các khu vực nước ta với cường độ cấp 8, có thể thấp hơn.
Lưu ý các tác động do bão số 10, đại diện cơ quan Khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, trên biển, cảnh báo gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 5-7 m. Chiều tối ngày 4/11, nước ta bắt đầu bị ảnh hưởng mưa do bão số 10. Đặc biệt, lưu ý mưa hướng vào khu vực vừa chịu thiệt hại do bão số 9.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: “Do hoàn lưu bão số 10 kết hợp không khí lạnh tăng cường nên sẽ gây đợt mưa lớn diện rộng. Nhận định xa cho thấy, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Bắc Tây Nguyên có lượng mưa trung bình từ 100-200 mm từ chiều tối ngày 4-6/11. Sau đó, mưa dịch chuyển ra Nghệ An, Quảng Trị với lượng mưa 150-300 mm từ ngày 5-7/11”.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão Goni là siêu bão ở sườn đông Philippines và đã giảm cấp khi vào Biển Đông, song lại chịu tác động của các hình thái khác nên khó dự báo, đoán định. Do vậy, phải liên tục dự báo, cảnh báo sát diễn biến cơn bão, đặc biệt là tình hình mưa.
“Hai vấn đề trọng tâm cần tập trung với hoàn lưu bão số 10 là chú ý lũ ống, lũ quét, sạt lở; đề phòng sự cố hồ nhỏ, hồ xuống cấp”, Bộ trưởng đề nghị.
Ảnh: VGP/Đoàn Bắc |
Nhấn mạnh đây là cơn bão phức tạp, khi vào đất liền gây mưa lớn, có nơi lên đến 400 mm ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, bão số 10 dự kiến diễn biến phức tạp, cùng với ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc dự báo sẽ gây mưa lớn từ Nghệ An trở vào.
“Không vì dự báo cơn bão không lớn mà chủ quan. Cần tập trung rà soát tàu thuyền trên biển ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, sơ tán người dân khỏi lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thuỷ sản ven biển”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý phải bảo đảm an toàn cho các tàu đang tìm kiểm cứu nạn ở khu vực 2 tàu bị đắm. Bên cạnh đó, chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm: Mưa lớn gây ngập úng, khu vực dễ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Tiếp tục khắc phục sự cố những công trình bị thiệt hại do bão số 9, song song với đó, cần ứng phó bảo vệ các công trình.
Tinh thần là không được chủ quan, các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10 để có kế hoạch ứng phó kịp thời, phù hợp; rà soát tàu thuyền trên biển ra khỏi khu vực nguy hiểm, về tránh trú bão an toàn, đồng thời bảo đảm an toàn cho các tàu tìm kiếm cứu nạn.
Ảnh: VGP/Đoàn Bắc |
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục, gia cố, sửa chữa ngay những công trình hạ tầng đã bị thiệt hại trong các cơn bão vừa qua, đồng thời theo dõi chặt chẽ cơn bão số 10 khi di chuyển vào bờ để có phương án sơ tán người dân về những cơ sở tránh trú bão bảo đảm an toàn, nhất là những khu vực có nguy cơ về sạt lở đất.
“Thực tiễn thời gian qua cho thấy, bão vào gây thiệt hại không lớn, nhưng hoàn lưu bão gây mưa, lũ lụt, sạt lở đất lại gây thiệt hại rất lớn”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề rất khó trong dự báo, cảnh báo, ứng phó. Nhiều nơi người dân sinh sống ổn định vài chục năm, địa chất được đánh giá ổn định nhưng thời gian qua lại xảy ra sạt lở đất. Vấn đề này, nhiều nước có điều kiện địa chất, địa hình tương tự Việt Nam cũng gặp phải nhiều sự cố, khó dự báo dù áp dụng khoa học, công nghệ, các công cụ cảnh báo.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung lực lượng sẵn sàng với phương châm “4 tại chỗ”; đây là yêu cầu quan trọng nhất vì lực lượng tại chỗ có vai trò rất quan trọng, phản ứng kịp thời khi có sự cố.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục hoàn thiện bản đồ cảnh báo nguy cơ lạt sở đất; các bộ, ngành phải phối hợp với nhau, cùng các nhà khoa học vào cuộc, đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân về ứng phó với sạt lở đất.
Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Khong-chu-quan-voi-bao-so-10/412770.vgp