Phong tỏa bệnh viện K – Đi từng bước khẩn trương nhưng chặt chẽ

Sáng 7/5, Đoàn kiểm tra của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã đến kiểm tra tại Bệnh viện K. Tại đây Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã thống nhất với Chủ tịch TP. Hà Nội đóng cửa 3 cơ sở của Bệnh viện K do ở đây có 10 ca bệnh dương tính COVID-19 (1 bệnh nhân trước đó điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau đó về bệnh viện K điều trị lây cho 5 bệnh nhân và 4 người nhà).

‘Cách ly kịp thời F0 để ngăn chặn nguồn lây’

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đến kiểm tra tại Bệnh viện K – Ảnh: Gia Huy

Phong tỏa 3 cơ sở Bệnh viện K – “nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Cụ thể sẽ tạm thời phong tỏa 3 cơ sở Bệnh viện K (nhân viên y tế, người lao động, người bệnh và người nhà người bệnh) để phục vụ cho công tác chống dịch. Thời gian phong tỏa từ 5h30′ sáng ngày 7/5. Bệnh viện yêu cầu các đơn vị liên quan có trách nhiệm bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dùng cá nhân, sinh hoạt cho những người cách ly.

Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Bệnh viện K (với 3 cơ sở) là bệnh viện tuyến đầu và hiện nay tình hình dịch bệnh rất phức tạp. Sáng nay Thành phố đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế và ngay lập tức cách ly các phòng, khoa trong Bệnh viện. 

“Trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi cũng thể hiện trách nhiệm trong việc phong tỏa toàn bộ khu vực của cơ sở này. Vì vậy, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Trưởng công an, Phó công an Huyện chỉ đạo tăng cường các chốt để kiểm soát, phong tỏa”, Chủ tịch Thành phố Chu Ngọc Anh nói.

Theo Chủ tịch Thành phố Chu Ngọc Anh, địa bàn của Bệnh viện K phức tạp hơn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, đáng lưu ý là rất sát nhiều nhà cửa, dân cư trên địa bàn. Đồng thời nếu giáp nhiều hàng quán sẽ yêu cầu tạm dừng hoạt động để kiểm soát tình hình, có như vậy bên trong Bệnh viện mới phong tỏa được nghiêm ngặt.

Với tinh thần “nội bất xuất ngoại bất nhập”, Bệnh viện K hiện đang được phong tỏa chặt chẽ – Ảnh: Gia Huy

Với tinh thần “nội bất xuất ngoại bất nhập” để bảo đảm việc kiểm soát phong tỏa được chặt chẽ nhất do đây là bệnh viện tuyến đầu nên việc đưa đồ bảo hộ, trang thiết bị ra sao cũng cần được giám sát để bảo đảm an toàn nhất.

“Trong quá trình phong tỏa nếu có khó khăn đề nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ, 1 chốt 2 chốt chưa đủ thì cần phải tăng cường thêm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để nâng cao ý thức. Ngoài ra sẽ tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ bệnh viện để phòng chống dịch hiệu quả. Về vấn đề nhu yếu phẩm, vật tư y tế, toàn bộ điều kiện chăm sóc… sức khỏe của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân quận cần có phương án, kế hoạch cụ thể. Có khó khăn báo cáo Thành phốm kịp thời”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

“Toàn bộ hệ thống chính trị đang nỗ lực từng giờ từng phút để chống dịch”

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, Hà Nội có vị trí rất đặc biệt là trung tâm chính trị đầu não của cả nước. Chính vì vậy Thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung ương để truy vết thần tốc, khoanh vùng kịp thời. Đối với năng lực xét nghiệm, ở Bệnh viện K quy mô lớn hơn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi có 1.700 cán bộ công nhân viên, khoảng 1.600 bệnh nhân tương ứng 1 bệnh nhân sẽ có 1 người nhà. Như vậy tất cả sẽ có khoảng 5.000 người. Vì vậy năng lực truy vết F1, F2… đòi hỏi phải khẩn trương, trách nhiệm và tập trung cao độ. Do đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội mong muốn sẽ có sự phối hợp từ cơ quan đầu não trong thông tin của tất cả các ca bệnh để có cơ hội truy vết nhanh nhất các F. Đồng thời tăng cường hơn nữa phối hợp giữa các địa bàn trong quản lý cách ly và sau cách ly.

Đặc biệt, Bệnh viện K phức tạp hơn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 vì ở đây có bệnh nhân của hầu hết các tỉnh, thành phố lên khám, chữa bệnh nên cần có chỉ đạo chung của Bộ Y tế. Hà Nội đã có sự chủ động và có quy trình rõ ràng cho việc “sau cách ly hoàn thành thì ở xã nào, phường nào, quận nào… đều đến ký biên bản để nhận về địa phương”. Nhưng với các tỉnh, thành phố khác chúng ta cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, ở Bệnh viện K có nhiều người nhà bệnh nhân đến thuê trọ nên quận cần có khoanh vùng, hướng dẫn chuyên môn, nhắc nhở. “Đi từng bước khẩn trương nhưng chặt chẽ”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch TP Chu Ngọc Anh đi nhắc nhở công tác phòng dịch xung quanh bệnh viện – Ảnh: Gia Huy

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh: Với những nỗ lực tập trung cao độ, kịp thời, tuy trách nhiệm nặng nề nhưng Hà Nội vẫn tin tưởng với sự vào cuộc của các cấp ngành và sự kích hoạt của toàn bộ các hệ thống, chúng ta tập trung giải quyết, không hề chủ quan, lơ là thì dịch bệnh sẽ được khống chế hiệu quả.

Cùng với đó là việc Hà Nội đang thắt chặt kiểm soát tình hình song song với thực hiện mục tiêu kép để bảo đảm các công tác khác trên địa bàn… Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định: Nhân dân hãy yên tâm và không có chuyện phong tỏa hay giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố như là một vài nơi thông tin. “Toàn bộ hệ thống chính trị đang nỗ lực từng giờ từng phút để chống dịch”. Vì vậy đề nghị “nhân dân chia sẻ và trách nhiệm cho chính bản thân và gia đình mình bằng việc nghiêm túc thực hiện phòng chống dịch như 5K, không ra khỏi nhà khi không cần thiết. Tất cả hoạt động tụ tập đông người cần được quán triệt sâu sắc”.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát (xử lý vi phạm lần đầu nhắc nhở, lần sau sẽ xử phạt nếu vi phạm). Qua đó cùng nhau chung sức để giải quyết tình hình dịch bệnh. Kiểm soát an toàn đối với tuyến đầu phòng chống dịch và với các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô. 

Bên cạnh đó không được lơ là cảnh giác, để ngày bầu cử tới đây sẽ thực sự là ngày bầu cử của toàn dân. Các cơ quan các cấp sẽ nỗ lực làm chủ, đuổi kịp tất cả các trường hợp phát hiện ổ dịch để ngăn chặn lây lan trên địa bàn. 

Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn

Dẫn theo nguồn: https://thanglong.chinhphu.vn/phong-toa-benh-vien-k-di-tung-buoc-khan-truong-nhung-chat-che

Trả lời