EVN lý giải vì sao tiền điện tháng 4 tăng vọt

Vừa qua, nhiều hộ dân sinh hoạt phản ánh kỳ hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng mạnh. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra nguyên nhân để lý giải về vấn đề này.

   Điện lực miền Bắc đang tập trung củng cố, sửa chữa lưới điện nhằm cấp điện an toàn,  ổn định trong cao  điểm mùa nắng nóng. Ảnh : VGP/ Toàn Thắng

Theo EVN, kỳ hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng do một số nguyên nhân cơ bản sau: Theo quy luật thời tiết, hằng năm thì tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C. Khu vực miền Bắc đặc biệt là thủ đô Hà Nội cũng bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30°C. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.

Theo dõi số liệu sản lượng điện cung cấp từ EVN tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong giai đoạn cuối tháng 3/2019, đầu tháng 4/2019, việc tiêu thụ điện tại địa bàn tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58kWh/ngày tại Hà Nội và 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày tại TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó là tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3 theo Quyết định 648/QĐ-BCT. Cụ thể, khung giá cho đối tượng sinh hoạt bậc thang như sau:

Bậc 1: từ 0 – 50 kWh, tăng từ 1.549 đồng/kWh lên 1.678 đồng/kWh, tương ứng 8,33%. Bậc 2: từ 51-100 kWh, tăng từ 1.600 đồng/kWh lên 1.734  đồng/kWh, tương ứng 8,38%. Bậc 3: từ 101-200kWh, tăng từ mức 1.858 đồng/kWh lên  2.014 đồng/kWh, tương ứng 8,40%. Bậc 4: từ 201 – 300kWh, tăng từ mức 2.340 đồng/kWh lên 2.536 đồng/kWh, tương ứng 8,38%. Bậc 5: từ 301 – 400kWh, tăng từ mức 2.615 đồng/kWh lên 2.834 đồng/kWh, tương ứng 8,37%. Bậc 6: từ 401 kWh trở lên, tăng từ 2.701 đồng/kWh lên 2.927 đồng/kWh, tương ứng 8,37%.

Theo EVN, với mức tăng này, trường hợp khách hàng sử dụng 400kWh thì số tiền phải trả thêm hơn 77.725 đồng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng 22.600 đồng cho mỗi 100 kWh nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn.

Một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày, kéo dài từ ngày ghi chỉ số tháng 2 đến ngày ghi chỉ số tháng 3). Như vậy, số ngày sử dụng điện dài hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng Hè, cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.

EVN dự báo, trong các tháng 5, 6, 7 tiếp theo, nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài và có thể còn nóng hơn nữa, khi đó, nhu cầu sử dụng điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng. Do đó, để giảm chi phí tiền điện phải trả của khách hàng cũng như góp phần giảm áp lực cung cấp điện lên toàn hệ thống giúp vận hành hệ thống điện ổn định, an toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến nghị các khách hàng sử dụng điện an toàn, hiệu quả bằng cách tắt bớt các thiết bị không cần thiết; sử dụng đồ điện hợp lý và áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện triệt để trong sinh hoạt cũng như trong các hoạt động của đời sống kinh tế xã hội.

Riêng tại Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô đã tăng cao đột biến so với tháng 3 và cùng kỳ năm 2018. Số liệu cụ thể như sau: ngày 19/4 tiêu thụ 61,768 triệu kWh; ngày 20/4 tiêu thụ 63,401 triệu kWh; ngày 21/4 là 58,969 triệu kWh; ngày 22/4 là 63,514 triệu kWh; ngày 23/4 là 64,346 triệu kWh; ngày 24/4 là 66,614 triệu kWh.

Lượng điện tiêu thụ bình quân lũy kế đến ngày 24/4 là 54,878 triệu kWh tăng 15% so với tháng 3/2019 (47,726 triệu kWh) và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018 (45,913 triệu kWh).

EVN HANOI cũng dự báo, trong những ngày nắng nóng gay gắt cộng với hiệu ứng “đô thị” sẽ khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, điều hòa nhiệt độ tăng cao đột biến. Điều này sẽ dẫn đến lượng điện tiêu thụ trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục tăng mạnh. Để đối phó với nắng nóng, nhiều gia đình ở Hà Nội đã mua sắm thêm điều hòa cũng như tăng thời gian sử dụng thiết bị làm mát nên đã là nguyên nhân dẫn tới sản lượng điện sử dụng nhiều hơn.

Theo một số chuyên gia về năng lượng, đối với máy điều hòa không bảo dưỡng định kỳ cũng là sai lầm phổ biến trong cách sử dụng điều hòa tại nước ta. Trong điều kiện không khí ẩm, nhiều bụi, điều hòa bị giảm công suất liên tục trong quá trình sử dụng, chủ yếu do bụi bám vào các tấm lọc, cánh quạt, trục quay quạt. Vì những lý do này khách hàng sử dụng điện nên bảo dưỡng điều hòa của gia đình một cách định kỳ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất giúp điều hòa vận hành tốt hơn, tiết kiệm điện năng cho gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban Kinh doanh EVN HANOI thông tin, việc chốt chỉ số công tơ, nguyên tắc tính toán hóa đơn trong tháng có thay đổi giá được thực hiện theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng sử dụng điện. Bên cạnh đó, EVN HANOI cung cấp công cụ tính giá điện trực tuyến trên website của Tổng công ty, giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc tính giá điện sinh hoạt hàng tháng tại gia đình.

Đối với khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt, việc tính toán tiền điện trong tháng đổi giá của khách hàng sẽ căn cứ vào chỉ số công tơ và mức giá quy định của Nhà Nước. Riêng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, việc tính giá điện trong kỳ chuyển đổi giá được thực hiện theo phương pháp nội suy sản lượng. Đây là nguyên tắc được sử dụng để tính sản lượng cho các khoản biến động trong trường hợp có thay đổi về giá bán điện nhưng không thực hiện chốt chỉ số.

Cũng theo Trưởng Ban Kinh doanh EVN HANOI, để được tư vấn và tìm hiểu thêm thông tin về giá điện, cách tính giá điện, cũng như các thắc mắc khác, người dân trên địa bàn Thủ đô có thể liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN HANOI theo số hotline: 19001288 hoặc các Công ty Điện lực quận, huyện, thị xã để được giải đáp kịp thời./.

Theo Toàn Thắng/baochinhphu.vn

 

Trả lời