Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai: Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực

Tỉnh Gia Lai đã và đang đẩy mạnh các mô hình mới, cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Điều này phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của địa phương.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã không ngừng phấn đấu, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Mạng lưới trường, lớp ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng yêu cầu học tập của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Song song với việc quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng được ngành đặc biệt quan tâm. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường về số lượng, chuẩn hóa về trình độ. Các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất năng lực của người học.

Về chất lượng giáo dục các cấp học, chất lượng giáo dục đại trà được duy trì, đảm bảo. Tỷ lệ huy động đầu cấp và duy trì sĩ số đối với giáo dục mầm non, tiểu học và trung học đạt khá cao: Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học nhà trẻ đạt 9,56%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 93,4%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tiểu học đạt 99,9%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học trung học cơ sở đạt 96,5%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học trung học phổ thông đạt 58,7%. Chất lượng giáo dục dân tộc được duy trì ổn định. Tỷ lệ hoàn thành chương trình các cấp học chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm đạt trên 98,0%.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai: Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực
Dự án “The Bazan Highland Gia Lai-Tinh hoa đại ngàn” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương tỉnh Gia Lai đạt giải ba Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI

Không chỉ đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng có nhiều chuyển biến vượt bậc. Tỉnh đã thực hiện thành công Đề án thí điểm Giáo dục STEM và tiếp tục triển khai mở rộng những kết quả đạt được của Đề án; đẩy mạnh giáo dục, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cuộc thi khoa học kỹ thuật, STEM Robotics,… Đặc biệt, bên cạnh việc dạy và học văn hóa, ngành GD&ĐT tỉnh cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh, xây dựng, hình thành những thế hệ học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết: Tỉnh đang tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách về thu hút nguồn nhân lực, tạo ra bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai: Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực
Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, kiểm tra công tác triển khai quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại các điểm thi

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, từ năm 2019, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai thực hiện “Khảo sát, đo lường sự hài lòng đối với chất lượng dịch vụ giáo dục công” nhằm nâng cao trách nhiệm của đội ngũ giáo viên và phương pháp giáo dục.

Ngoài ra, ngành cũng đã phát động phong trào xây dựng “Trường học xanh – sạch – đẹp – an toàn”, “Xây dựng lối sống trong sáng, phòng chống bạo lực học đường” nhằm tạo môi trường giáo dục an toàn cho học sinh, hướng tới mục tiêu cao nhất của giáo dục là: “hạnh phúc và chất lượng”. Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học đạt những bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới giáo dục, hướng đến sự hài lòng của người học.

Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng phục vụ hành chính được thực hiện nghiêm túc, thời gian giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng hạn, trong đó trước hạn 30%. Thông qua đó, không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành (DDCI) nói riêng và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nói chung.

Trong đó, chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng đội ngũ; đổi mới cơ chế quản lý, công tác quản lý và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục,…Đây cũng chính là nền tảng và động lực quan trọng để Gia Lai nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục bứt phá, vươn xa, phát triển bền vững kinh tế – xã hội địa phương.

Theo: Huyền Ngọc
Dẫn theo nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/so-giao-duc-va-dao-tao-tinh-gia-lai-day-manh-doi-moi-sang-tao-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-13313.html

Trả lời