Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, vấn đề phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước đang được Chính phủ thống nhất đổi mới để đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Nếu có sự đồng thuận về tư duy như vậy, việc triển khai trong thực tiễn sẽ trôi chảy, không mất nhiều thời gian.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận sáng 5/11.
Đồng thuận về tư duy trong phân bổ ngân sách
Thảo luận tại hội trường sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao công tác điều hành tài chính – ngân sách nhà nước của Chính phủ thời gian qua. Các đại biểu thống nhất năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; trong nước cũng gặp khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách ước vượt 10,1% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế – xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Một số đại biểu quan tâm đến vấn đề chi thường xuyên chưa phân bổ hết dự toán và giải ngân đầu tư chậm. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đây là một vấn đề thực tiễn hiện nay đòi hỏi việc phân bổ dự toán ngân sách cũng như bố trí kế hoạch chi đầu tư phát triển và các vấn đề liên quan phải đổi mới về hình thức và cách thức thực hiện.
Theo quy định hiện nay, dự án đầu tư phải có đầy đủ thủ tục mới được phân bổ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ví dụ như trong dự án đầu tư xây dựng cơ bản, khi chưa có đầu tư công, chưa có dự án đầu tư được phê duyệt thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thể tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội phân bổ kế hoạch đầu tư công được.
Trong chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán, đơn giá, định mức được duyệt. Vậy khi lập dự toán vào tháng 9, 10, các bộ, ngành và các cơ quan chưa lập được dự đoán chính xác mà chỉ căn cứ vào đầu việc để ước tính. Do đó, dự toán sau này muốn phân bổ chính xác thì phải trình qua Chính phủ và trình qua Quốc hội.
Về chi ngân sách cho khoa học công nghệ, Quốc hội quy định là 2% nhưng trong các năm qua chỉ chi được khoảng hơn 1%. Lý giải về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho hay, Chính phủ trình Quốc hội dự toán 2% của chi ngân sách nhưng khi thực hiện thì phải có dự toán, đơn giá, định mức được phê duyệt. Định mức, đơn giá phê duyệt này lại do quản lý của từng ngành, ví dụ như giáo dục và đào tạo là do Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoa học công nghệ là do Bộ Khoa học và Công nghệ… Tuy nhiên, khi các ngành tổng hợp lại thì không đủ như dự toán, khi đó Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ báo cáo qua các Ủy ban Quốc hội, Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để phê duyệt dẫn đến khâu triển khai bị chậm.
Để giải quyết vấn đề này, Thường trực Chính phủ đã họp đổi mới về phân bổ kể cả với chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong chi thường xuyên, sau khi Quốc hội phê chuẩn sẽ giao một lần cho các tỉnh và các bộ, ngành. Các bộ ngành và các tỉnh sẽ phân bổ theo đúng quy định, còn Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại việc thực hiện đúng hay không.
Tuy nhiên, sau khi giao tổng thể như vậy, có một số ý kiến cho rằng thẩm quyền mà phân bổ của Quốc hội, không phải thẩm quyền của Chính phủ. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Quốc hội phân bổ tổng thể dự toán, còn việc điều hành, quản lý dự toán giao cho Chính phủ. “Nếu đồng thuận về mặt tư duy như vậy thì việc triển khai sẽ trôi chảy”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nói.
Chi thường xuyên đã rất tiết kiệm
Trước ý kiến đại biểu đề cập đến vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, khoản tiết kiệm này chủ yếu ở nguồn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm, chi phí công tác phí, hội nghị, tiếp khách… Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đã được Chính phủ ban hành từ đầu nhiệm kỳ. Theo đó, dưới 100 biên chế cán bộ, công chức thì bố trí là 70 triệu đồng/biên chế; trên 100 biên chế đến dưới 500 biên chế là 65 triệu đồng; dưới 1.000 biên chế là 61 triệu đồng/người; trên 1.000 biên chế chỉ còn 57 triệu đồng/người.
Thực hiện quy định từ đầu nhiệm kỳ về giảm 10% chi thường xuyên, Bộ Tài chính đã cắt giảm 10% ngay từ khi giao dự toán và sau đó giảm 5% và tiếp tục giảm thêm 5% là 20%. Như vậy, chi thường xuyên đã rất là tiết kiệm. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, cần phải khuyến khích các bộ, ngành, địa phương có thể có tiết kiệm các khoản chi khác. Trong năm nay, Bộ Tài chính đã trình cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên, trong đó ở bộ, ngành là 1.000 tỷ đồng, như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là 500 triệu đồng, khó để tiết kiệm hơn nữa.
Hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo để tiết kiệm trong đầu tư công. Ví dụ như tiết kiệm trong định mức dự toán, định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển… Nội dung này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu quan tâm đến vấn đề tự chủ tài chính. Làm rõ nội dung này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin tự chủ một phần chi thường xuyên và Chính phủ đã đồng tình vấn đề này. Còn phần đầu tư và mua sắm cơ sở vật chất vẫn là ngân sách đảm bảo. Đây là những bệnh viện tuyến cuối phục vụ cho người bệnh, nhân dân nên cần phải được hỗ trợ. Vấn đề quản lý tài sản trong các đơn vị sự nghiệp cũng đã được quy định rất rõ trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sửa đổi. “Quan điểm là có liên doanh, liên kết, cho thuê nhưng không được làm mất tài sản của Nhà nước”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo: Trần Huyền/Tạp chí tài chính
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/can-doi-moi-tu-duy-trong-phan-bo-du-toan-chi-ngan-sach-nha-nuoc.html