Giải ngân vốn đầu tư công: Không chỉ là quyết tâm, mà là nhiệm vụ

Chỉ còn khoảng 3 tháng để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 (kết thúc ngày 31/1/2025), nhưng vẫn còn đến gần 53% lượng vốn chưa được giải ngân. Theo ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), mục tiêu giải ngân đạt 95% không chỉ là quyết tâm mà còn là nhiệm vụ, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương rốt ráo triển khai trong chặng “nước rút”.

Chỉ còn khoảng 3 tháng để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 (kết thúc ngày 31/1/2025). Ảnh: internetChỉ còn khoảng 3 tháng để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 (kết thúc ngày 31/1/2025). Ảnh: internet

Tỷ lệ giải ngân thấp hơn cùng kỳ

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 từ đầu năm đến ngày 31/10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này dù có tăng nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 16.127,2 tỷ đồng, đạt 59,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân 10 tháng vốn ngân sách trung ương là 54,9%, cao hơn cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp, đạt 50,8%. 

Trong 10 tháng đầu năm 2024, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt. Tuy nhiên, có 29/44 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Việc một số địa phương kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Điển hình như TP. Hồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng chỉ mới giải ngân 19,63%; TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng chỉ giải ngân 44,62%.

Theo ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), một số điểm nghẽn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong các báo cáo định kỳ hàng tháng, tập trung vào các vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; công tác lập, phân bổ kế hoạch; công tác tổ chức thực hiện.

Đến nay, nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách (thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa; thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng; vướng mắc trong các quy định về quản lý đầu tư công, cơ chế đấu thầu…); vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA…

Rốt ráo giải ngân chặng “nước rút”

Chỉ còn khoảng 3 tháng để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 (kết thúc ngày 31/1/2025), nhưng vẫn còn đến gần 53% lượng vốn chưa được giải ngân. Với tình hình này, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2024 là áp lực với tất cả bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đòi hỏi có sự quyết tâm rất lớn.

Vụ trưởng Vụ Đầu tư Dương Bá Đức nhấn mạnh, mục tiêu này “không hoàn thành không được”, vì nếu chuyển vốn sang năm 2025 thì lại đẩy áp lực sang năm sau – năm cuối phải hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chu kỳ đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Do đó, đây không chỉ là quyết tâm mà còn là nhiệm vụ.

Theo Vụ trưởng, ngoài các nghị quyết, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 chỉ thị, 5 công điện, bình quân mỗi tháng có một văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Đến nay, nhiều công trình trọng điểm đang hoàn thành đúng tiến độ, vượt tiến độ, đưa vào khai thác sử dụng.

Đối với cơ chế chính sách trong lĩnh vực này, Vụ trưởng Dương Bá Đức thông tin, những vướng mắc vượt thẩm quyền đã được Chính phủ trình Quốc hội trong xây dựng một luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư công. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng kiến nghị sửa 2 luật liên quan là Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong dự thảo một luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Như vậy, “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là cơ chế, chính sách, thể chế đã và đang được tháo gỡ.

Trên cơ sở “5 quyết tâm, “5 bảo đảm” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng với các nút thắt về cơ chế chính sách được tháo gỡ, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần quyết liệt vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn quan trọng này.

“Với nỗ lực như vậy, tôi tin rằng, năm nay có thể hoàn thành giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Vụ trưởng Dương Bá Đức tin tưởng.

Theo: Trần Huyền/Tạp chí tài chính

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-khong-chi-la-quyet-tam-ma-la-nhiem-vu.html

Trả lời