Ứng dụng công nghệ số để đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để kịp thời đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Sáng 8/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Phát hiện, xử lý 64.185 vụ việc vi phạm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt, yêu cầu các đơn vị, lực lượng thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, đã chủ động xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình địa bàn, đơn vị, địa phương mình để triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Các lực lượng chức năng tích cực, chủ động tiến hành biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đúng theo thẩm quyền, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Công tác trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp tổ chức đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả cao. Nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật; không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 64.185 vụ việc vi phạm (giảm 2,82% so với cùng kỳ). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 6.042 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 172,28% so với cùng kỳ); 55.133 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 9,7 so với cùng kỳ); 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 8,55% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.066,792 tỷ đồng (giảm 7,53% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 650 vụ (giảm 44,25% so với cùng kỳ), 1.913 đối tượng (giảm 18,82% so với cùng kỳ).

Nêu cao vai trò của người đứng đầu

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua. Công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cơ bản ổn định, không có vụ việc nổi cộm, gay gắt.

Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có khả năng tăng trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng quyết liệt hơn, phối hợp tốt hơn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó phải nêu cao vai trò của người đứng đầu.

Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp trong thực thi nhiệm vụ, cung cấp thông tin. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những lỗ hổng về pháp lý, sai sót để nhắc nhở các lực lực lượng chức năng trong việc thực thi đạo đức công vụ; thường xuyên quan tâm, nâng cao năng lực của các lực lượng chức năng, nhất là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.

Cho rằng ma túy vẫn là vấn đề nhức nhối, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm này. Đồng thời, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức để người dân trở thành những người tiêu dùng thông minh. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện thể chế; tăng cường hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo: Trần Huyền/Tapchitaichinh.vn

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/ung-dung-cong-nghe-so-de-dau-tranh-voi-buon-lau-gian-lan-thuong-mai.html

Trả lời