Tại Hội nghị SGATAR thường niên lần thứ 52 tại Phuket, Thái Lan, trong Diễn đàn Trưởng đoàn – Phiên 4 với Chủ đề 3 “Thuế gián thu (GST/VAT) trong nền kinh tế số” tổ chức ngày 1/11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng đã chia sẻ một vài kinh nghiệm của cơ quan thuế Việt Nam về nội dung quản lý thuế gián thu trong nền kinh tế số.
Quang cảnh phiên họp Diễn đàn Trưởng đoàn.
Phó Tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng cho biết, Việt Nam là nền kinh tế mở, mức độ phát triển lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ nhanh. Trong đó, hoạt động thương mại điện tử đang trên đà phát triển mạnh mẽ với quy mô năm 2022 ước đạt trên 20 tỷ USD tăng 25% so với năm 2021 (khoảng 16 tỷ USD). Dự kiến, quy mô nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam năm 2025 đạt 50 tỷ USD
Để có cơ sở pháp lý thực hiện quản lý thuế đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản pháp luật để làm căn cứ thực hiện. Theo đó, Luật Quản lý thuế số 38 ngày 13/6/2019 (điểm 4 Điều 42) quy định: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì NCCNN có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Trên cơ sở quy định nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn NCCNN nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo phương pháp tỷ lệ tính trên doanh thu.
Trong đó, mức thuế suất được xác định dựa theo từng loại hình dịch vụ mà NCCNN cung cấp tại Việt Nam (giao động từ 0,1%-10%, đối với loại hình cung cấp dịch vụ mức thuế suất là 5% đối với cả thuế GTGT và thuế TNDN). Đặc biệt, các NCCNN có thể thực hiện kê khai và nộp thuế bằng nhiều loại tiền khác nhau (bao gồm các tiền tệ lớn như USD, EUR, GPB…).
Phó Tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng chia sẻ, trên cơ sở thực tế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam và cơ sở pháp lý là Luật Quản lý thuế nêu trên, để kịp thời tổ chức quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, Tổng cục Thuế đã triển khai nắm bắt mô hình kinh doanh, đặc điểm hoạt động của mô hình này từ đó xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN.
Ngày 21/3/2022, Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN đã chính thức được công bố và đi vào vận hành. Qua Cổng thông tin điện tử, NCCNN có thể truy cập từ bất cứ đâu trên thế giới để thực hiện đăng ký thuế, điều chỉnh thông tin đăng ký thuế, kê khai, nộp tờ khai, điều chỉnh thông tin kê khai, Hỗ trợ tra cứu hồ sơ, tra cứu tình trạng khoản nộp, nộp thuế.
Cổng thông tin điện tử đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các NCCNN chủ động thực hiện quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại kinh tế số.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu triển khai cũng đã phát sinh một số khó khăn như về phía các NCCNN, với đặc thù đều là các công ty đa quốc gia lớn, có trụ sở kinh doanh đặt ngoài Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong việc nắm bắt các quy định chính sách thuế của Việt Nam để thực hiện; Về phía cơ quan thuế, do các NCCNN không hiện diện tại Việt Nam, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc tiếp cận hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế hiểu và chấp hành đúng pháp luật thuế của Việt Nam.
Với những khó khăn, thách thức đặt ra như trên, Tổng cục Thuế Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mục đích truyền tải thông tin đến các NCCNN biết và tuân thủ pháp luật thuế Việt Nam.
Kết quả đạt được đến nay đã có 68 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Các NCCNN này đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong; Ireland; Thụy Sĩ, Australia, Anh… Trong đó, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu như: Amazon, Google, Meta, Microsoft, Tencent, Tiktok… cũng đều đã đăng ký và kê khai, nộp thuế hàng triệu USD.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thuế đối với thương mại điện tử, Phó Tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng cho biết, trong thời gian tới, một số giải pháp sẽ được Tổng cục Thuế Việt Nam nghiên cứu đưa vào thực hiện như sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát để đôn đốc các NCCNN có phát sinh thu nhập tại Việt Nam phải thực hiện đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử bằng cách rà soát dữ liệu kê khai của các tổ chức trong nước khấu trừ, nộp thuế thay các NCCNN và phối hợp trao đổi thông tin thuế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới.
Thứ hai, thực hiện đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; phù hợp với các thông lệ quốc tế để nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ đúng nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước Việt Nam.
Thứ tư, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán tiền cho các NCCNN định kỳ phải cung cấp dữ liệu thanh toán tiền vào tài khoản của các NCCNN để kịp thời phát hiện các giao dịch chưa thực hiện kê khai thuế của các NCCNN để áp dụng các biện pháp quản lý thuế chặt chẽ.
Thứ năm, yêu cầu các NCCNN cung cấp thông tin giao dịch tại Việt Nam, xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các NCCNN, từ đó xác định tính chính xác trong việc kê khai doanh thu của các NCCNN.
Theo: PV
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/viet-nam-chia-se-kinh-nghiem-quan-ly-thue-gian-thu-trong-nen-kinh-te-so.html