Báo chí là công cụ, là vũ khí quan trọng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, định hướng nhận thức và hướng dẫn hành động cho công chúng, cũng như là công cụ tham gia quản lý xã hội, giám sát cán bộ, đảng viên về đạo đức lối sống.
Về tổng thể, báo chí nước ta đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ toàn diện: Tăng mạnh cả về loại hình; số lượng cơ quan báo chí; số đầu ấn phẩm, chương trình; chất lượng nội dung, hình thức, công nghệ in ấn, truyền tải thông tin; phạm vi phát hành, phủ sóng; số lượng nhà báo và đội ngũ những người làm việc trong các cơ quan báo chí; số lượng công chúng báo chí, nhất là ở nước ngoài; nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật báo chí…
Cùng với sự gia tăng nhanh chóng về lượng, thì vai trò, đóng góp và ảnh hưởng xã hội của báo chí đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và thỏa mãn nhu cầu thông tin cho người dân cũng tăng lên.
Trong quá trình đổi mới và hội nhập, báo chí không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, mà còn góp phần quan trọng thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng, đa phương hóa các quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, những năm qua, các cơ quan báo chí luôn là những kênh thông tin chính thống, đồng hành cùng Chính phủ trong công tác thông tin truyền thông phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhiều thông tin, bài báo đã giúp truyền tải những chủ trương, chính sách của Chính phủ tới người dân và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như giúp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành, chỉ đạo sát, nhanh và kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm… Tất cả nội dung, những chuyến đi công tác đến các bộ, ngành, địa phương đều có sự tham gia của báo chí và tất cả nội dung truyền tải lời khen ngợi, đánh giá, truyền đạt những quy định, những nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương đều được báo chí truyền tải đến người dân, doanh nghiệp, thể hiện sự minh bạch, rõ ràng.
Các cơ quan của Chính phủ cũng đã tạo điều kiện cho báo chí tham dự, đưa tin các hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cuộc làm việc của Tổ công tác, tổ chức các cuộc họp báo thường kỳ và họp báo chuyên đề,… Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xây dựng và phát hành thường xuyên các thông cáo báo chí, thông tin báo chí về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Báo chí đã trở thành động lực thúc đẩy nỗ lực thực hiện mục tiêu kiến tạo phát triển, liêm chính, công khai minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, xây dựng sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Những tin, bài, hình ảnh trên các trang báo in, báo điện tử, kênh phát thanh, truyền hình hằng ngày, hằng giờ chuyển tải thông tin truyền thông hiệu quả các chủ trương, giải pháp của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội đất nước, trong quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của hệ thống hành chính nhà nước. Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ ban hành chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành sát thực tiễn, có tính khả thi cao; là cầu nối Chính phủ với Nhân dân, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghe được tiếng nói từ người dân, từ đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý, hoặc trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, gây bức xúc xã hội…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn nhà báo tham dự Chương trình Nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại hội nghị gặp gỡ với báo chí mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Báo chí cách mạng có sứ mệnh bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, đồng hành cùng Chính phủ, tích cực đưa tin, phản ánh kịp thời và trung thực dòng chảy chính mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; đi đầu trên mặt trận phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của đất nước; định hướng, tạo đồng thuận và củng cố niềm tin xã hội, bảo vệ nền tảng tinh thần chế độ, vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của quốc gia, góp phần tạo nên và nuôi dưỡng khát vọng dân tộc vượt qua thách thức đưa đất nước ta tới bến bờ thịnh vượng, phát triển bền vững, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Để báo chí thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo sự đồng thuận và niềm tin của xã hội, đặc biệt tạo nên một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đòi hỏi cần thêm nhiều nỗ lực từ cả báo chí và các cơ quan hữu quan.
Một mặt, các nhà báo luôn cần chủ động nâng cao bản lĩnh và năng lực chuyên môn, giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” sáng tạo những tác phẩm báo chí mang sức mạnh của sự thật, sức mạnh của lòng dân để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Các cơ quan và từng người làm báo phải thật sự tiếp nhận được tinh thần xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động mạnh mẽ và kiên quyết tháo gỡ những cản trở sự phát triển, xây dựng thể chế ngày càng khoa học hơn, điều hành đất nước ngày càng phát triển hơn. Tinh thần đó đã lan tỏa trong đời sống xã hội và báo giới phải cảm nhận được điều này để thể hiện qua các tác phẩm báo chí, lan tỏa ra xã hội.
Báo chí cần tiếp tục đồng thuận cao, là lực lượng hậu thuẫn đắc lực, công cụ tuyên truyền hữu hiệu, kênh thông tin quan trọng chính thống của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và trong thúc đẩy cải cách chính sách kinh tế, tạo môi trường thông thoáng nhất cho doanh nghiệp và người dân; tham gia rất tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, chính quyền các cấp, định hướng dư luận, góp phần quảng bá các thành tựu, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội vào Đảng, sự điều hành của Chính phủ; tạo ra diễn đàn cởi mở cho nhân dân, phát huy tinh thần dân tộc, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới …
Mặt khác, các Bộ, ngành cần chủ động cung cấp thông tin, chia sẻ thông tin kịp thời cho báo chí; tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tác nghiệp của báo chí; tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn để báo chí tiếp cận thông tin chính xác nhất, kịp thời nhất, thực hiện nhiệm vụ của mình và lan toả ra xã hội, góp phần củng cố niềm tin của xã hội với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước
Các cơ quan chức năng cần tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển, bao gồm cả khuyến khích tự chủ và đặt hàng, kết hợp cả bàn tay thị trường và bàn tay hỗ trợ của Nhà nước; quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo và hỗ trợ công nghệ báo chí, tạo điều kiện hình thành một số cơ quan báo chí có quy mô lớn, làm đầu tàu cho báo chí Việt Nam.
Báo chí chống tiêu cực và tham nhũng là không dễ dàng và không thể đơn độc. Bên cạnh sự dũng cảm, năng lực nghiệp vụ và nhận thức về sứ mệnh, trách nhiệm của từng phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo, cần thấy rằng bản thân các cơ quan toà soạn và cá nhân hoạt động báo chí cũng cần được tạo điều kiện và phải được bảo vệ trong cuộc đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng.
Đồng thời, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với báo chí, thực hiện nghiêm các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; thường xuyên theo dõi những phản ánh từ báo chí, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền, thuộc trách nhiệm của ngành mình, cấp mình; cần có chính sách tập hợp, thu hút và đãi ngộ đội ngũ phóng viên, cộng tác viên là chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học. Xây dựng quy chế làm việc linh hoạt cho nhóm các nhà báo-chuyên gia để khai thác nhiều và hiệu quả hơn năng lực của họ trong hoạt động báo chí ở các lĩnh vực khác nhau…
Nhiều dư luận xã hội hoặc cá nhân có phát ngôn hoặc tâm trạng bức xúc… chủ yếu là do thiếu được cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời; hoặc chưa được đối thoại, đối chất nhằm bổ sung thông tin, giải tỏa nhận thức, tâm trạng; hoặc do sự thiếu tương xứng giữa thông tin tuyên truyền với bản chất thực tế của sự kiện, con người. Hơn nữa, các sự kiện để chứng minh các vấn đề luôn có và đa dạng, nên báo chí khi phản ánh và xử lý dư luận xã hội cần có kỹ năng phân biệt bản chất với hiện tượng, ý kiến chỉ của thiểu số với ý kiến đại diện cho đa số; tránh phản ánh sai hoặc xử lý cực đoan hóa dư luận xã hội theo chủ kiến và định kiến cá nhân, thậm chí do tính toán mục tiêu, lợi ích cá nhân hoặc do e ngại rủi ro chính trị, tâm lý muốn “dĩ hòa vi quý” của cá nhân. Bản chất người dân là tốt và tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vì thế không nên đánh đồng ý kiến và phản ứng về một số hiện tượng và nhóm cá nhân đơn lẻ là chống đối chế độ, để không đẩy đông đảo người dân vào thế đối đầu và tâm lý phản ứng cực đoan, phản kháng manh động, bất chấp hậu quả.
Cuối cùng, để giải tỏa và định hướng dư luận kịp thời, cần bổ sung quy định và nghiêm túc thực hiện việc phát ngôn, giải trình và nêu gương của người có trách nhiêm, nhất là người đứng đầu tăng cung cấp thông tin ra xã hội một các trung thực, đầy đủ, nhanh chóng …
Sự im lặng, lảng tránh hoặc chậm trễ thông tin ra xã hội, nhất là thông tin hai chiều kịp thời, là đồng nghĩa với để trống trận địa tuyên truyền và dung túng thông tin trái chiều, hiện tượng gây nhiễu và tung tin giả mặc sức lan tỏa với các hệ lụy đắt đỏ, khó lường…!