Thay đổi cơ cấu sản phẩm (khẩu trang, đồ bảo hộ lao động) giúp các DN Việt Nam vượt qua khó khăn. Ảnh minh hoạ. |
Sụt giảm chưa từng có
Theo nghiên cứu được đưa ra bởi Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Quan hệ lao động (ERC), hầu hết các báo cáo ngành của khu vực và thế giới đều cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc và giày dép giảm chưa từng có trong năm 2020. Cụ thể, theo ước tính vào quý III/2020 của PWC và Wazir Advisors, trong năm 2020, nhu cầu hàng may mặc của EU và Hoa Kỳ giảm lần lượt là 45% và 40% và giày dép giảm 27% và 21%.
Cho tới thời điểm quý IV/2020, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu khiến cho thời điểm hồi phục của ngành thời trang về mức trước đại dịch được dự đoán là cuối năm 2022, thậm chí là đầu năm 2023.
Cùng với việc tổng cầu sụt giảm, giá nhập khẩu hàng thời trang vào các thị trường lớn cũng giảm sút ở mức độ chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Cụ thể, theo tính toán của tác giả trên cơ sở dữ liệu của Bộ Thương mại Hoa kỳ, trong vòng 9 tháng năm 2020, giá nhập khẩu may mặc vào Hoa Kỳ đã giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019; trong khi mức giảm trung bình của những năm trước chưa tới 1%.
TS. Đỗ Quỳnh Chi cho biết, dịch COVID-19 cũng tác động mạnh tới DN dệt may và giày dép Việt Nam khi có tới 94,2% DN da giày, 87,1% DN dệt may bị giảm đơn hàng; 84,5% DN da giày, 53,5% DN dệt may bị khách hoãn hủy đơn; 74,8 DN da giày, 22,9% DN dệt may không xuất khẩu được.
Khảo sát tháng 6/2020 của ERC trong ngành dệt may, giày dép và điện tử cho thấy, mới chỉ có 10% nhà máy tại Việt Nam được thanh toán đầy đủ chi phí nguyên vật liệu và nhân công cho các đơn hàng đã sản xuất nhưng bị khách hàng hoãn hoặc hủy. Gần 90% nhà máy bị chậm thanh toán từ 1-6 tháng, thậm chí lâu hơn và nhiều khách hàng đòi giảm giá tới 70%. Kể cả trong trường hợp không bị chậm thanh toán, việc lưu kho trong một thời gian dài cũng gây ra rủi ro chi phí cho nhà máy.
Phó Giám đốc một công ty giày Đài Loan cho biết: “Mặc dù khách hàng không hủy đơn nhưng trì hoãn việc nhận hàng. Giờ hàng sản xuất xong phải lưu hết trong kho, tốn thêm tiền của nhà máy. Thời tiết lúc nóng lúc mưa như thế này, chỉ ngoài 2 tháng là keo giày bong hết, nhà máy chúng tôi có nguy cơ mất trắng cả lô hàng”.
Khảo sát doanh nghiệp tiến hành trong tháng 9-10/2020 cho thấy, các nhà máy dệt may và giày dép vẫn đang gặp phải khó khăn. Cụ thể, 51% nhà máy cho biết nhãn hàng chậm thanh toán và 16,6% nhà máy không được thanh toán đầy đủ cho các đơn hàng bị hủy. Đặc biệt, 32,4% nhà máy cho biết họ không được nhãn hàng hỗ trợ hoặc chia sẻ thiệt hại khi hoãn, hủy đơn hoặc chậm chuyển hàng nhưng các nhà máy không có cơ sở để yêu cầu.
Việc đứt gãy nguyên phụ liệu từ nước ngoài khiến doanh nghiệp gặp khó, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung từ các nhà cung ứng trong nước. Ảnh minh hoạ. |
Liên kết để phục hồi
Sau thời gian ban đầu bất ngờ với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khá nhiều DN đã nhanh chóng thích ứng và tìm được cơ hội phát triển tốt hơn trong khủng hoảng.
Đơn cử như Giovani, một nhãn hiệu thời trang cao cấp của Việt Nam đã bắt đầu sản xuất khẩu trang từ tháng 1/2020. Sau đó khi các cửa hàng không thể mở cửa trong thời gian giãn cách xã hội, công ty đào tạo nhanh cho nhân viên để chuyển sang bán hàng online và tư vấn khách hàng qua điện thoại, internet. Chính vì chuyển đổi nhanh nên ảnh hưởng của COVID-19 không quá trầm trọng, thậm chí công ty đã phát triển được mảng bán hàng online và dự định sẽ mở rộng ra khu vực ASEAN và các chuỗi siêu thị ở Nga trong năm tới.
TNG cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sản xuất khẩu trang. Sau đó, TNG tiếp tục phát triển các sản phẩm quần áo y tế với thương hiệu của TNG để xuất khẩu. COVID-19 đã giúp công ty đẩy mạnh mảng ODM (tự phát triển thiết kế và nguyên vật liệu) và OBM (tự phát triển thương hiệu). COVID-19 cũng là động lực giúp TNG tích cực liên kết với các DN khác ở Việt Nam để tự chủ được hơn 70% nguyên vật liệu cho các sản phẩm y tế.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, khi dịch COVID-19 xảy ra, việc đứt gãy nguyên phụ liệu từ nước ngoài khiến doanh nghiệp gặp khó, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung từ các nhà cung ứng trong nước. Chính COVID-19 đã kéo doanh nghiệp trong nước “lại gần” nhau hơn, kết nối tốt hơn.
Trong ngành sợi, đa số các công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. COVID-19 xảy ra, ngành sợi rất khó khăn. Tuy nhiên, công ty Sợi Phú Bài vẫn duy trì hoạt động khá tốt vì đã phát triển dòng sợi cao cấp để bán cho các nhà máy dệt FDI ngay tại Việt Nam, thay vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Giám đốc một nhà máy dệt nhuộm FDI nhận định: “COVID-19 khiến chúng tôi quan tâm hơn tới các nguồn sợi ngay tại Việt Nam, thay vì nhập khẩu, giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển. Chúng tôi đã kết nối với một số DN Việt Nam và thông qua Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Hiện tại vải của chúng tôi chỉ phục vụ nhu cầu nội bộ, nhưng nếu có cơ hội bán cho các DN khác ở Việt Nam, chúng tôi rất sẵn sàng”.
Nghiên cứu của TS. Đỗ Quỳnh Chi đã chỉ ra rằng, xu hướng ngắn hạn và trung hạn là đa dạng hóa khách hàng, thị trường và sản phẩm để các DN dệt may duy trì sản xuất. Còn DN da giày có xu hướng giảm gia công, đa dạng hóa khách hàng. Về dài hạn là xu hướng công nghệ xanh và tiếp tục tự động hóa. Đặc biệt, dịch COVID-19 đã khiến cho các DN tăng mạnh nhu cầu liên kết với các DN khác tại Việt Nam.
Nhu cầu liên kết giữa các DN trong giai đoạn hiện nay gồm: Liên kết để mua bán nguyên vật liệu trong nước để thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc có giá thành cao hơn; liên kết để chia sẻ đơn hàng, đặc biệt giữa các công ty lớn và các công ty vừa và nhỏ; liên kết để học hỏi kinh nghiệm của nhau như công nghệ, máy móc, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường (như xử lý nước thải, dùng năng lượng mặt trời…).
Năm mới, cơ hội mới
Có thể thấy, mặc dù đối mặt với “cơn sóng dữ” COVID-19, hai ngành dệt may và da giày Việt Nam cũng có nhiều cơ hội trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi.
Một ví dụ điển hình là tại thời điểm bùng phát dịch COVID-19, Trung Quốc không chỉ giảm tổng lượng xuất khẩu (lên tới 50% với một số mặt hàng) mà mức giá cũng giảm sâu nhất (20%). Trong khi đó, hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng khó may, có giá trị cao, nhờ vậy mà vẫn giữ giá và mở rộng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ. Vào tháng 6/2020, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Hoa Kỳ, vị trí mà Trung Quốc chiếm giữ nhiều năm nay.
“Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Việt Nam chiếm trên 20% thị phần hàng may mặc vào Hoa kỳ, mặc dù xét về tổng giá trị, xuất khẩu may mặc trong nửa đầu 2020 vẫn chưa đạt mức của năm 2019. Theo phỏng vấn sâu với các nhà máy xuất khẩu sang Hoa Kỳ, một nguyên nhân quan trọng cho xu hướng này là việc các nhãn hàng may mặc đã và đang chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”, TS. Đỗ Quỳnh Chi cho hay.
Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025. Các DN đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược trong thời gian 1-3 năm tới. Có tới 55,7% DN dự định thúc đẩy tự động hóa, 49,8% sẽ phát triển sản phẩm mới, 39,9% sẽ đa dạng hơn nữa sản phẩm và 41,5% sẽ đầu tư nâng cao kĩ năng lao động.
“Rõ ràng thị trường chúng ta có, nhưng quan trọng có cạnh tranh được với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc… hay không. TNG hoàn toàn có đủ tự tin, về nguyên liệu, công ty đã làm với các nhãn hàng lớn, đã ký đơn hàng đến tháng 6/2021 rồi, đặt tiền mua nguyên liệu từ các nhà cung cấp. Năm 2021 vẫn sẽ chưa hết khó, nhưng 2022-2023 sẽ bật lên rất mạnh”, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đánh giá.
Cũng theo chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có tới gần một nửa nhãn hàng thời trang cho biết sẽ tăng mua từ Việt Nam sau COVID-19, một phần do chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và một phần do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa tham gia. Số còn lại cân nhắc về việc thiếu nguyên phụ liệu khiến các nhãn hàng từ châu Âu và khối CPTPP không được hưởng ưu đãi thuế qua hiệp định EVFTA và CPTPP.
“Chúng ta sẽ vượt khó 2021, 2022, thậm chí 2023; đế cuối quý III/2023 nếu COVID-19 kiểm soát được thì sẽ về trạng thái bình thường của năm 2019. Các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, RCEP, CPTPP đang có kết cấu thị trường tương đối tốt”, ông Vũ Đức Giang cho hay.