Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là hết sức cấp thiết
Trước bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là ngân sách nhà nước, nguồn cung và giá cả nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, tiêu dùng nội địa, thiên tai, biến đổi khí … hay những cơ hội từ thay đổi cấu trúc kinh tế toàn cầu, quá trình dịch chuyển mô hình tăng trưởng… những hạn chế cố hữu của nền kinh tế chậm được giải quyết, sức chống chịu, nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, người lao động bị suy giảm nghiêm trọng bởi dịch bệnh kéo dài… thì việc xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là hết sức cấp thiết để tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 11/9/2021 của Chính phủ tiếp tục giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 trong điều kiện đã kiểm soát dịch bệnh, tiêm vắc-xin bao phủ diện rộng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2021.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng đề cương, phối hợp các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn 2022-2023 và dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 (Chương trình), với những định hướng phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19; giải pháp hỗ trợ trước mắt khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có khả năng khôi phục, tận dụng cơ hội sau dịch bệnh; người lao động, nhất là trong khu vực dịch vụ, công nghiệp, người dân, nhất là người dân khu vực khó khăn, người nghèo, người yếu thế cùng các giải pháp căn cơ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến phát triển nhanh, bền vững hơn trong tương lai.
Từ năm 2020 đến nay, các đối tác lớn của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đã ban hành nhiều gói hỗ trợ với quy mô lớn, nhờ đó đã và dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong giai đoạn 2021-2023. Các nước chủ yếu tập trung sử dụng chính sách tài khóa ưu tiên đầu tư hạ tầng, giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, lao động; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số. Chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm giảm chi phí vốn vay và tăng khả năng tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh.
Các tổ chức quốc tế như ADB, WB, IMF, UNTACD đã đưa ra nhiều khuyến nghị giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khu vực ASEAN, cũng như Việt Nam theo hướng như sau: Chính sách cần được thực hiện hợp lý theo từng giai đoạn của diễn biến dịch bệnh, năng lực nội tại, khả năng thực thi và giám sát của khu vực nhà nước, các đặc điểm của nền kinh tế, dư địa chính sách hiện có. Sự phục hồi bền vững phụ thuộc vào việc bảo đảm ổn định tài chính; cân bằng rủi ro giữa việc gia tăng nợ công, nợ của khu vực tư nhân với quy mô và thời hạn các chính sách hỗ trợ tài chính. Cần thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, hỗ trợ hệ thống y tế, hộ gia đình, doanh nghiệp và phục hồi kinh tế đến khi dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu…
Chương trình hướng tới mục tiêu tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng giai đoạn phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát đồng thời phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phù hợp với các mục tiêu, định hướng, tầm nhìn dài hạn; hướng đến mục tiêu tạo việc làm cho người dân, người lao động và đào tạo, đào tạo lại lao động thích ứng với bối cảnh mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả. Đề xuất các chính sách, giải pháp cụ thể và nguồn lực đi kèm; các chính sách, giải pháp hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tác động ngay đến doanh nghiệp, người dân, người lao động, nền kinh tế, phát huy cao nhất hiệu quả các chính sách hỗ trợ đang triển khai, phù hợp với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025.
Chương trình tập trung vào các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp y tế và kinh tế hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân, người lao động; các hoạt động kinh tế tạo động lực phục hồi và phát triển bền vững cho nền kinh tế. Các chính sách tiếp cận cả về phía cung (tín dụng, giảm chi phí, lao động), phía cầu (kích cầu tiêu dùng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công) và các khâu kết nối (vận tải, lưu thông hàng hóa, logistics). Thời gian thực hiện đến năm 2023 nhằm tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm.
Kết cấu của Chương trình gồm 4 phần chính: Tác động của dịch bệnh, tình hình và chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế trên thế giới; Thực trạng phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp thúc đẩy phục hồi nền kinh tế đến năm 2023; Dự kiến nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế
Về cơ bản dự kiến có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Thứ nhất, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022 nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19” là yếu tố tiên quyết, không thể thiếu để thực hiện phục hồi kinh tế.
Thứ hai, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất; tiết kiệm chi thường xuyên.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hành chính các cấp.
Thứ tư, phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Phát triển ngành du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường; thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại và giảm thuế, phí ô tô trong nước.
Thứ năm, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng (tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất với một số đối tượng cụ thể); tài chính (miễn, giảm thuế, phí); sản xuất; phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ sáu, phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động trong các KCN, KKT; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông và nông nghiệp, thủy lợi, dự kiến nguồn vốn đầu tư công trong 02 năm 2022-2023 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.
Thứ bảy, phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước.
Thứ tám, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động.
Trên cơ sở các giải pháp chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến các nhiệm vụ phân công thực hiện của bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên, liên tục theo các chính sách đã được ban hành trước đây về cải cách hành chính, phát triển công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại, đầu tư…, xác định các nhiệm vụ cụ thể, có tính chất trọng tâm, trọng điểm, đột phá của bộ, cơ quan trung ương, địa phương, thời gian thực hiện trong giai đoạn tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, theo dõi tình hình thực hiện, báo cáo Chính phủ về kết quả triển khai, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách bổ sung trong trường hợp cần thiết, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6 và tháng 12 năm 2022, 2023./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư