Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Sáng 8/6/2023, phát biểu làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Quang cảnh phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sáng 8/6/2023.Quang cảnh phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sáng 8/6/2023.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong bối cảnh đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, những thành tựu, kết quả đạt được trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2033 đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước thẳng thắn đề cập đến những tồn tại, hạn chế, bất cập trên nhiều lĩnh vực. 

Cập nhật tình hình kinh tế – xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2023. Trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và đạt được những kết quả tích cực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát (CPI tiếp tục xu hướng giảm, bình quân 5 tháng ở mức 3,55%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so với cùng kỳ; khu vực Nông nghiệp phát triển ổn định; Thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi nhanh. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn FDI tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ…

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt khoảng 95 nghìn doanh nghiệp. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong và bên ngoài, đúng như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu, như: Tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp; đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập…

Đáng chú ý, về điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời chú trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. 

Cùng với đó, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Tăng cường năng lực phân tích, dự báo; chủ động ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, khẩn trương rà soát, xử lý ngay những vướng mắc, bất cập; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường vai trò của các địa phương trong triển khai các dự án đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.

Theo: Bảo Thương

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/kien-dinh-muc-tieu-on-dinh-kinh-te-vi-mo-kiem-soat-lam-phat.html

Trả lời