Phát biểu tại buổi họp báo trước thềm Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023 (ngày 19/9/2023), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2023 vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xám màu của thế giới.
Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023.
Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.
Trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn.
Trước bối cảnh đó, đòi hỏi phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài; giải pháp để tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng để giúp Đất nước tận dụng thời cơ, ứng phó, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.
“Tăng cường, phát huy nội lực, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tận dụng ngoại lực hiệu quả, kịp thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng đang là nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.
Chính vì vậy, “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” đã được lựa chọn làm chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế – Xã hội 2023.
Diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021-2023. Nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, bao gồm các vấn đề của thị trường đầu vào – đầu ra, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng của nền kinh tế, rào cản đối với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính – tiền tệ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, lao động việc làm, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp trước mắt và dài hạn.
Song song với đó, rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021-2025…, trong đó làm rõ các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm.
Đáng chú ý, đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam trong thời gian qua, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2023 vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xám màu của thế giới.
Về cơ bản, các giải pháp hỗ trợ và phục hồi nền kinh tế trong các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ đều bám sát trên tinh thần chỉ đạo của Đảng như ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế… Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh nhận định, bức tranh kinh tế chung đang có cả gam màu sáng lẫn gam màu tối vì các động lực tăng trưởng từ đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng đều có dấu hiệu chậm lại.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, mặc dù những tháng gần đây, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh nhưng so với yêu cầu là giải ngân ít nhất 95% trong tổng vốn đầu tư thì điều này khá thách thức. Cùng đó, xuất khẩu và nhập khẩu đều có dấu hiệu giảm, sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn, đơn hàng kinh doanh bị sụt giảm. Thực trạng này cũng yêu cầu cần phải thúc đẩy hơn nữa các giải pháp trong thời gian tới.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, phải kiến tạo những động lực mới, đồng thời đưa ra các đề xuất để giải quyết triệt để những vấn đề nói trên, từ đó có động lực tăng trưởng mới và phát triển bền vững.
“Diễn đàn năm nay sẽ khái quát, đánh giá bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực thời gian qua, trong đó có xung đột Nga – Ukraine, đứt gãy cung ứng toàn cầu, cầu tại các nước trong bối cảnh lạm phát tăng cao, một số đối tác thương mại tăng trưởng đang suy giảm, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, đưa ra những dự báo về tác động của các vấn đề trên trong thời gian tới, từ đó có biện pháp, chính sách phù hợp để thích ứng với bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực. Ở trong nước, phải đánh giá lại những biện pháp, giải pháp đặt ra không chỉ cho năm 2023 và còn cho cả kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thêm.
Theo: Đức Mạnh
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-viet-nam-2023-van-la-diem-sang-trong-buc-tranh-kinh-te-xam-mau-cua-the-gioi.html