Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 và cho rằng đây là những kết quả quan trọng, toàn diện, ấn tượng trong bối cảnh trong và ngoài nước còn nhiều thách thức.
Kinh tế – xã hội chuyển biến tích cực, toàn diện
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, thảo luận toàn thể tại Hội trường trong hai ngày 30-31/10/2019, các đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp, xung đột của khu vực và thế giới, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp hơn so với năm 2018, những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh nhưng năm 2019 tiếp tục là năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát dưới 3% GDP; thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng gấp hai lần so với đầu nhiệm kỳ. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, cân đối ngân sách được bảo đảm, tỷ lệ bội chi và nợ công so GDP giảm. Cán cân thương mại giữ được nhịp tăng trưởng cao, xuất siêu năm thứ tư liên tiếp…
Các đại biểu Quốc hội đều chung nhận định, kết quả tích cực trên đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. “Đây là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.” – Đại biểu nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, trước những diễn biến không thuận của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới, một trong những nội dung quan trọng là cải cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.
Để bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế – xã hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện để tăng trưởng theo chiều sâu gồm: Trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Để làm được điều này cần đổi mới mạnh mẽ, có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Liên quan đến vấn đề cải cách tổ chức bộ máy, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 về tự chủ tự chịu trách nhiệm và tinh giảm biên chế. Đại biểu Lợi cho rằng, muốn có nguồn ngân sách, ngoài nguồn tiết kiệm, tăng thu ngân sách, thì nguồn hết sức quan trọng là phải giảm được biên chế…
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp trong công tác điều hành như: linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân; đảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội…
T. Huyền (t/h)