Sáng ngày 8/6/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tham gia tán thành gần như tuyệt đối.
100% đại biểu Quốc hội tham gia thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA
Về Nghị quyết phê chuẩn EVFTA, có 457/457 đại biểu Quốc hội, đạt 100% đại biểu Quốc hội tham gia (đạt 94,62% tổng số đại biểu Quốc hội) biểu quyết thông qua.
Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý – thể chế.
EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
EVFTA được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
461/462 đại biểu tán thành Nghị quyết phê chuẩn EVIPA
Đối với Nghị quyết phê chuẩn EVIPA, có 462 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, tương đương 95,65%. Trong đó, 461/462 đại biểu bấm nút tán thành Nghị quyết phê chuẩn EVIPA, tương đương 95,45%; 1 đại biểu không biểu quyết, tương đương 0,21%.
Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 4 chương, 92 điều và 13 phụ lục.
Hiệp định đã quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm để Việt Nam phát triển quan hệ với EU trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc phù hợp với những mục tiêu đã được các bên thỏa thuận theo Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA).
Trần Huyền
Dẫn theo nguồn: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/quoc-hoi-chinh-thuc-phe-chuan-evfta-va-evipa-324005.html