Thủ tướng nêu rõ đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn; đồng thời, đề nghị việc ban hành Nghị quyết phải tạo phong trào, xu thế phát triển kinh tế tư nhân để “mọi người, mọi nhà thi đua làm giàu” chính đáng.
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: VGP
Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Tại cuộc làm việc, đại biểu tập trung thảo luận, góp ý vào các nhóm chính sách cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân: Một số nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh; rút gọn thủ tục phá sản doanh nghiệp; nguyên tắc xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ;…
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. Ảnh: VGP
Đồng thời, các đại biểu cũng cho ý kiến đối với các chính sách như: Hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng, không sử dụng tại địa phương; tăng cường nguồn vốn cho kinh tế tư nhân thông qua mở rộng đối tượng và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tài chính chuyển đổi xanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; đặt hàng doanh nghiệp thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; ưu đãi thuế, lệ phí thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; chính sách thuế với hộ kinh doanh; hỗ trợ xây dựng nền tảng số, phần mềm dùng chung, dịch vụ tư vấn, đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững. Các nội dung trong “bộ tứ chiến lược” theo các Nghị quyết của được triển khai đồng bộ, bài bản sẽ có tác động cộng hưởng tích cực với nhau. Việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất cần giải quyết ngay, được người dân và doanh nghiệp quan tâm nhất, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài nhưng chưa có trong các Dự án Luật.

Theo Thủ tướng, các cơ chế, chính sách phải mang tính “đòn bẩy, điểm tựa”, sát tình hình, phù hợp với điều kiện hiện nay, tạo tâm lý hứng khởi, phát huy tinh thần tự tin, tự lực, tự cường, tự hào trong vươn lên phát triển; khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy tối đa đổi mới sáng tạo; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, Nhà nước phải kiến tạo, con người là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và thể chế, cơ chế, chính sách là động lực. Do đó, Nghị quyết phải tạo phong trào, xu thế phát triển doanh nghiệp tư nhân để “mọi người, mọi nhà thi đua làm giàu”: “Thể chế nhưng phải tạo phong trào, xu thế để phát triển doanh nghiệp tư nhân. Mọi người, mọi nhà thi đua làm giàu. Chúng ta bây giờ tiếp cận đến thu nhập trung bình cao, nên phải thi đua làm giàu, chứ không phải kiếm ăn, kiếm mặc. Theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người Việt Nam là 4.500 USD trở đi là tiếp cận thu nhập trung bình cao, nhất là nước ta trên 100 triệu dân. Vì vậy phải thi đua làm giàu. Ra đời Nghị quyết là thúc đẩy kinh tế tư nhân. Người dân và doanh nghiệp, người người, nhà nhà thi đua làm giàu chính đáng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhận định còn nhiều điểm nghẽn đối với kinh tế tư nhân, Thủ tướng yêu cầu phải tháo gỡ để tạo xu thế, phong trào phát triển doanh nghiệp tư nhân, mọi người, mọi nhà thi đua khởi nghiệp, thi đua làm giàu chính đáng. Tạo cơ chế để các tập đoàn kinh tế lớn tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan khi xây dựng cơ chế, chính sách cần rà soát để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tiếp cận bình đẳng về nguồn lực, vốn, đất đai, tài sản công.
Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết cũng cần làm rõ hơn, nhấn mạnh hơn cơ chế, thể chế liên quan tới tài sản vô hình, thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cần cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 68 về tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm. Trong thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, cần thông thoáng, giảm tối đa chi phí và xóa bỏ cơ chế xin – cho.
Về tiến độ, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trình Quốc hội thông qua trước ngày 18/5.
Theo: Vũ Thu
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-la-khong-co-gioi-han.html