Công nhân Công ty Điện lực Thanh Hóa thay thế, lắp đặt MBA để chống quá tải tại một số khu vực trọng điểm. |
Phương châm chủ động, linh hoạt và quyết liệt
Theo tính toán của PC Thanh Hóa, trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng, phụ tải toàn tỉnh sẽ tăng cao so với trung bình các tháng trong năm. Để chủ động các phương án cấp điện, PC Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh, xử lý kịp thời các tồn tại, khiếm khuyết có nguy cơ gây sự cố mất điện; Tăng cường theo dõi tình trạng vận hành, thực hiện kiểm tra, thí nghiệm định kỳ hệ thống điện, thực hiện các biện pháp thay thế, hoán đổi máy biến áp, cân pha, san tải hợp lý giữa các trạm biến áp; Chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị dự phòng, hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện đi lại và bố trí lực lượng ứng trực để phát hiện, xử lý các hiện tượng bất thường; bố trí phương thức vận hành lưới điện hợp lý, bảo đảm an toàn, tin cậy trong điều kiện bình thường và linh hoạt chuyển đổi trong tình huống sự cố. Bên cạnh đó, Công ty đã tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý kỹ thuật, vận hành, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và thiết bị, thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ.
Để nâng cao hiệu quả, PC Thanh Hóa đã chỉ đạo các điện lực trực thuộc trên địa bàn tỉnh lên kế hoạch và phương án triển khai cụ thể trong việc vận hành lưới điện phù hợp với khu vực được giao quản lý.
Công nhân đội QLVH 110kV đo đếm, kiểm tra các thông số kỹ thuật của hệ thống thiết bị. |
Sự vào cuộc từ các đơn vị
Bám sát chỉ đạo của PC Thanh Hóa, ngay từ đầu năm, Điện lực Thành phố Thanh Hoá đã rà soát lại toàn bộ đường dây trung áp và các trạm biến áp. Trên cơ sở đó thay thế luân chuyển các máy biến áp quá tải, duy tu bảo dưỡng các đường dây trung áp, đồng thời kiểm định và thay thế các trạm biến áp không đảm bảo. Đặc biệt để hạn chế tối đa việc ngừng cung cấp điện, Điện lực thành phố Thanh Hoá đã ứng dụng rộng rãi công nghệ sửa chữa điện nóng Hotline, đấu nối, sửa chữa, vệ sinh trên đường dây đang mang điện.
Để bảo đảm nguồn điện ổn định trong sản sản xuất, kinh doanh và các hoạt động dịch vụ du lịch, ngoài áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng Hotline, Điện lực Thành phố Sầm Sơn cũng thường xuyên áp dụng công nghệ vệ sinh đường dây, thiết bị, bát cách điện bằng vòi phun trực tiếp trên hệ thống đường dây, trạm biến áp đang mang điện. Đơn vị cũng đã thử nghiệm thành công việc lắp đặt các thiết bị bảo vệ đầu nhánh để bảo vệ tài sản của khách hàng và của điện lực, đồng thời nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng và xử lý sự cố mà không phải cắt điện trên diện rộng so với trước dây. Điểm mới trong cách làm của đơn vị là việc phối hợp với khách hàng là các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thí nghiệm định kỳ các trạm biến áp đã góp phần giúp khách hàng đảm bảo được nguồn điện ổn định cho hoạt động.
Điện lực Thành phố Sầm Sơn thực hiện rửa vệ sinh sứ điện. |
Tại Điện lực Thường Xuân hiện đang quản lý 280.883km trung áp, 309.26km hạ áp trải đều trên địa bàn có diện tích tự nhiên rộng nhất tỉnh Thanh Hóa. Đây là địa bàn có địa hình đồi núi phức tạp, đường dây điện chủ yếu đi qua rừng phòng hộ và đồi trồng cây của các hộ dân. Để bảo đảm an toàn hành lang lưới điện, đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận biết và tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang lưới điện. Tổng kiểm tra, rà soát cây trong và ngoài hành lang có nguy cơ gây sự cố điện trên địa bàn quản lý. Tiến hành phát quang, dọn thực bì, chặt tỉa cây xung quanh tại các địa điểm trọng yếu nhiều cây cối che phủ, hạn chế tối đa các nguyên nhân có thể gây ra cháy rừng gây ảnh hưởng đến việc vận hành, hoạt động của lưới điện.
Thợ điện lắp đặt hệ thống điện áp mái tại thành phố Thanh Hóa. |
Song song với việc tăng cường các giải pháp kỹ thuật, PC Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện đến từng hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp. Tập trung hướng dẫn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm như: máy điều hòa, bình nước nóng, bàn là điện… trong thời gian cao điểm của hệ thống điện từ 17 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Tăng cường sử dụng các thiết bị điện hiệu suất cao, các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng như đèn compact, đèn huỳnh quang T5, T8, chấn lưu hiệu suất cao, thiết bị bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời và đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích khách hàng hãy lựa chọn và sử các nguồn năng lượng tái tạo, đẩy mạnh triển khai điện mặt trời áp mái, sử dụng thiết bị chiếu sáng tích hợp từ năng lượng mặt trời, vừa tiết kiệm điện vừa bảo vệ môi trường.
Trước nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao, PC Thanh Hóa cũng đã chủ động làm việc, vận động các khách hàng lớn tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Chương trình DR ngoài việc tiết giảm công suất phụ tải đỉnh cho ngành điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện còn giúp khách hàng giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm, tăng hiệu quả sử dụng điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Công nhân kiểm tra, thí nghiệm định kỳ tại các trạm biến áp. |
Đội Hotline của Công ty Điện lực Thanh Hóa thực hiện sửa chữa trên đường dây. |
Khuyến cáo từ cơ quan quản lý, ngành điện và phản hồi từ khách hàng
Ông Nguyễn Việt Huy – Trưởng Phòng Quản lý Điện năng, Sở Công Thương Thanh Hoá cho hay: “Đối với các hộ gia đình cần hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn trong thời gian cao điểm của hệ thống điện, từ 17 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm cần hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn, tắt các thiết bị điện và đèn chiếu sáng không cần thiết trong thời gian nghỉ giữa ca, tiết kiệm điện chiếu sáng sân vườn, đường nội bộ, có kế hoạch thay thế, cải tạo nâng cấp hoặc loại bỏ dần phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu”.
Ông Hoàng Hải – Giám đốc Điện lực thành phố Thanh Hoá: “Quan sát trên hệ thống, dự báo khả năng sản lượng tiêu thụ điện trên địa bàn thành phố sẽ tăng khoảng 15%. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tập trung triển khai các giải pháp kỹ thuật, bổ sung nguồn cấp, chuẩn bị nhân lực và thiết bị xử lý nhanh các sự cố để cấp điện sớm nhất cho khách hàng”.
Ông Lê Ngọc Trọng – Đại diện hệ thống Khách sạn Dragon thành phố Sầm Sơn chia sẻ: Việc phối hợp và kiểm tra định kỳ sẽ giúp doanh nghiệp lường trước được các phụ tải phát sinh, đảm bảo được công suất sử dụng thiết bị và khuyến cáo doanh nghiệp đầu tư thay thế các thiết bị đã cũ ko còn bảo đảm.
Người dân ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. |
Nhân viên Công ty Điện lực Thanh Hóa tuyên truyền về an toàn hành lang lưới điện đến từng hộ dân. |
Với những giải pháp mang tính tổng thể của PC Thanh Hóa, cùng với sự chung tay của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng, thiết thực hành động của người dân chắc chắn rằng chất lượng điện cùng chất lượng dịch vụ trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng được cải thiện và để mùa nắng nóng năm nay không còn “nóng” vì… điện.