Thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển kinh tế – xã hội

Ngày 15/12/2021, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có bài tham luận với chủ đề “Thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi phục vụ Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030”.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương. Ảnh: MPI

Để thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trong giai đoạn 2016-2020, nhiều chủ trương, chính sách, định hướng mới về huy động và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài của Đảng và Nhà nước đã được ban hành nhằm thích ứng với bối cảnh mới khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, đặc biệt sau khi Việt Nam tốt nghiệp các khoản vay IDA với điều kiện ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017 và ADF của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2019.

Kinh tế Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên, vẫn đang tồn tại nhiều những điểm nghẽn dài hạn và đang đối mặt với nhiều thách thức mới nảy sinh, nhiều yếu tố cho thấy nhu cầu vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn rất cần thiết trong giai đoạn phát triển mới.

Một là, trọng tâm của giai đoạn 2021-2025 là việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, tập trung nhiều hơn vào tái cơ cấu, đổi mới mô hình và chất lượng tăng trưởng theo hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghệ số, kinh tế số, phát triển cơ sở hạ tầng có tính kết nối cao, cải cách công tác quản lý nhà nước, dịch vụ công,… đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư rất lớn.

Hai là, nhu cầu cải thiện đô thị do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, dẫn đến sự gia tăng và quá tải hệ thống giao thông đô thị, môi trường, dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục.

Ba là, vấn đề bất bình đẳng theo vùng miền chưa được kiểm soát. Nhà nước vẫn cần tiếp tục đầu tư nhằm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và cơ hội kinh tế cho các vùng kém phát triển khi đầu tư tư nhân vào các vùng này không đáng kể.

Bốn là, nhu cầu tái đào tạo phần lớn lực lượng lao động nhằm thích ứng với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Năm là, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức với các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đòi hỏi phải huy động một lượng vốn lớn để giải quyết.

Căn cứ mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, theo đó tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,5 – 7%/năm và đầu tư phát triển đạt 33 – 35% GDP.

Trên cơ sở của những nội dung cơ bản trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đồng thời dựa trên đánh giá thực trạng, cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng, bối cảnh biến động trong và ngoài nước trong thời gian tới, định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025 bao gồm một số nội dung chủ yếu.

Một số quan điểm chỉ đạo và nguyên tắc cơ bản

Tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo chung đã được quy định tại các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng và Chính phủ, đặc biệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2015, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nước ngoài giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2021-2025 và Chỉ thị số 18/CT-TTCP ngày 29/6/2019 về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nước ngoài trong tình hình mới.

Việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công; bất kỳ khoản vay mới nào cũng cần được xem xét hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đánh giá tác động tới kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chỉ tiêu nợ công, ngân sách cũng như khả năng trả nợ trong tương lai.

Việc đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay phải phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế – xã hội và khả năng trả nợ, không vay vốn với những dự án có điều kiện quy định gây bất lợi cho Việt Nam hoặc hiệu quả kém so với vay trong nước.

Vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô, ưu tiên đầu tư cho các dự án có hiệu quả kinh tế – xã hội, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn để tăng cường năng lực trả nợ của quốc gia; các dự án có tính chất hàng hóa công cộng, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ năng.

Sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các lĩnh vực, dự án mà vốn đầu tư công trong nước chưa đáp ứng được, khu vực tư nhân không có động lực để đầu tư hoặc một số lĩnh vực đặc thù cần Nhà nước đầu tư để kiểm soát và quản lý nhằm tạo thuận lợi phát triển các ngành kinh tế khác. Khuyến khích phương thức tài trợ hỗ trợ ngân sách, chi phí phù hợp, giải ngân nhanh vào vốn ngân sách nhà nước để bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ưu tiên sử dụng các khoản vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nước ngoài với chi phí thấp cho cấp phát ngân sách nhà nước; đối với khoản vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài sát với lãi suất thị trường xem xét cho nhu cầu vay về cho vay lại; tuân thủ các quy định về nhiệm vụ chi đầu tư của từng cấp ngân sách. Hạn chế sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để tài trợ cho các dự án không yêu cầu ngoại hối để có được vốn hàng hóa hoặc công nghệ. Hạn chế thực hiện các nghĩa vụ bằng ngoại tệ để tài trợ cho các khoản chi tiêu địa phương.

Giảm tỷ trọng cấp phát, tăng tỷ trọng vay về cho vay lại đối với các chương trình, dự án của địa phương thực hiện cơ chế ngân sách nhà nước cấp phát một phần, ngân sách địa phương vay lại một phần theo tỷ lệ do Chính phủ quy định.

08 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thứ nhất, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên vào các lĩnh vực: Tăng cường năng lực; xây dựng, hoàn thiện chính sách, thểchếvà cải cách; quy hoạch cấp quốc gia, cấp ngành và vùng lãnh thổ vùng; phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng, thuận lợi hóa thương mại.

Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên vào các lĩnh vực sau: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; Phát triển hệ thống giao thông vận tải; An ninh năng lượng quốc gia (Phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo).

Thứ ba, quản lý tài nguyên, môi trường, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên vào các lĩnh vực: Quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, sạt lở bờ sông, bờ biển; chống ngập úng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên vào các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, trồng rừng và cấp chứng chỉ rừng, xây dựng hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Thứ năm, khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên vào các lĩnh vực: Phát triển khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; Thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên vào các lĩnh vực: Phát triển giáo dục, giáo dục nghề nghiệp gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ bảy, y tế, văn hóa, xã hội trong đó đặt trọng tâm ưu tiên vào các lĩnh vực: Y tế cộng đồng, y tế chuyên sâu, hệ thống y tế dự phòng phòng chống đại dịch Covid-19; phát huy các giá trị văn hóa, công bằng và an sinh xã hội.

Thứ tám, tăng cường liên kết vùng trong đó đặt trọng tâm ưu tiên vào các dự án liên kết vùng, có tính lan tỏa, tác động lớn đến nền kinh tế: Tăng cường liên kết vùng với Vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát huy hiệu quả hành lang kinh tế Đông – Tây; nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, cần phải thực hiện những chính sách nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030./.

Theo:Đức Trung/www.mpi.gov.vn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Dẫn nguồn: https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=52558&idcm=188

Trả lời