Viên chức sẽ phải chuyển sang hợp đồng làm việc có thời hạn

    Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải chuyển sang hợp đồng làm việc có thời hạn, đây là một trong 4 điểm nổi bật trong sửa đổi Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Dự thảo Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải chuyển sang hợp đồng làm việc có thời hạn, đây là một trong 4 điểm nổi bật trong sửa đổi Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Dự thảo Luật đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

4 nội dung sửa đổi lớn

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, xưa nay, đối với viên chức, chúng ta thực hiện hợp đồng làm việc không thời hạn, giống như biên chế công chức. Lần này, theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập), viên chức hoạt động trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải chuyển sang hợp đồng có thời hạn, trừ khu vực vùng sâu, vùng xa.

“Ngoài ra còn có phương án thứ 2, sau khi đã thử việc xong thì thực hiện chế độ hợp đồng trong khoảng thời gian nhất định và nếu thấy đủ điều kiện sẽ cho tiếp tục hợp đồng dài hạn. Tức là có thời hạn nhưng chỉ là thời hạn bước đầu. Chính phủ chọn phương án 1 là viên chức thực hiện theo hợp đồng có thời hạn,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.

Dự luật lần này đặt vấn đề tách bạch giữa công chức và viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập từ cấp tỉnh trở lên hoặc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành Trung ương sẽ là viên chức. Người được cử đại diện tham gia quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước sẽ được tách biệt giữa quản lý nhà nước với quản trị kinh doanh. Với đơn vị sự nghiệp cơ bản phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước, lãnh đạo đơn vị này vẫn là công chức.

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định liên thông giữa công chức cấp xã, cấp huyện trở lên và người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, những người hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp, nếu đủ điều kiện là công chức thì khi chuyển đổi công tác từ đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước về cơ quan hành chính nhà nước không phải thi vào công chức. Người trước đây đã là công chức, được biệt phái hoặc chuyển công tác, khi quay trở lại vẫn là công chức, không cần phải thi tuyển lại.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức hiện nay thực hiện khác với hình thức xử lý trong Đảng, cả về hình thức và thời hiệu. Luật sửa đổi xác định hình thức xử lý kỷ luật về mặt chính quyền tương ứng với hình thức xử lý trong Đảng. Thời hiệu cũng được phân định không chỉ 24 tháng mà có thể 5 năm, 10 năm… tùy theo mức độ vi phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, để có hình thức xử lý cho phù hợp trong thời gian tới.

Đề cập đến hình thức kỷ luật giáng chức, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo đặt ra vấn đề bỏ hình thức kỷ luật này là để các hình thức kỷ luật của Nhà nước có sự tương đồng với hình thức kỷ luật của Đảng, vì kỷ luật bên Đảng không có hình thức giáng chức. Nếu để hình thức kỷ luật này thì dễ xảy ra tình trạng nương nhẹ, thay vì bị cách chức lại giảm xuống giáng chức.

Nếu giáng chức từ cấp trưởng xuống phó, trong khi số lượng cấp phó đã quy định khống chế tối đa sẽ dư số lượng cấp phó. Vì vậy, phải nghiên cứu hài hòa, đảm bảo vi phạm đến đâu, xử lý đến đó cho thật phù hợp, tránh tình trạng xử lý đúng tội đó nhưng lại lợi dụng áp dụng hình thức nhẹ hơn.

Ông cũng lý giải, người bị cách chức xuống vị trí khác, sau một thời gian, nếu họ khắc phục, thực hiện xong hình thức kỷ luật, vẫn được bình đẳng xem xét, quy hoạch, bổ nhiệm lại. Người bị kỷ luật cách chức sau 1 năm vẫn được đánh giá, bổ nhiệm lại bình thường.

Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Luật sửa đổi quy định chặt hơn về chất lượng đầu vào của công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực thực thi công vụ, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, Nghị quyết số 26-NQ/TW năm 2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín cũng quy định, thi tuyển công chức hoặc tuyển dụng công chức tới đây sẽ sửa đổi bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển những trường hợp đặc biệt, nhưng với tinh thần hết sức chặt chẽ về chất lượng đầu vào. Khống chế trên việc giảm tỷ lệ biên chế ở các địa phương, mỗi giai đoạn 5 năm là 10% để có sự sàng lọc.

“Thực hiện theo đề án vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm, kết hợp giữa đổi mới tổ chức bộ máy với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện tiền lương mới, chắc chắn chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức sẽ được nâng lên và tương ứng là thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức sẽ ngày càng tăng lên,” theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.

Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được ban hành từ năm 2008, đến nay đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn đặt ra. Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã đưa ra một số vấn đề cần nghiên cứu, sửa đổi thể chế, quy định về tổ chức, bộ máy, về cán bộ công chức, viên chức cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Việc sửa luật là cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập; đồng thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Trung ương; định hướng và phát triển lâu dài, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn : Tạp chí điện tử Tài chính 

 

 

 

 

Trả lời