Chuyển đổi số – Cơ hội và thách thức doanh nghiệp để phát triển bền vững

Các chuyên gia đã nhận định rằng, chuyển đổi số chính là cơ hội và thách thức trong sự lan tỏa của cách mạng 4.0, nó không còn là sự lựa chọn mà trở thành xu hướng phát triển tất yếu để doanh nghiệp có thể thực sự đứng vững trước thời cuộc và phát triển bền vững. Cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi số giúp doanh nghiệp sống sót và bứt phá, tuy nhiên doanh nghiệp cũng cần trải qua nhiều thách thức.

Chuyển đổi Số (Digital Transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại Internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ số hay gọi là số hóa (Digitalize) vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp hay tổ chức. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức một doanh nghiệp hay tổ chức hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Chuyển đổi Số là hành trình chứ không phải đích đến, hiện nay là vấn đề sống còn của hầu hết tổ chức – doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh bị tác động, ảnh hưởng của làn sóng cách mạng công nghiệp thứ Tư đã, đang và sẽ diễn ra liên tục, nhanh chóng.

1. BỐI CẢNH

Ngày nay, sự phát triển với tốc độ chóng mặt của các công nghệ số mới đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của xã hội loài người. Sử dụng công nghệ mới, từng cá nhân có thể xây dựng lịch làm việc, giải trí, sinh hoạt,… hàng ngày dễ dàng hơn, tiếp cận các sản phẩm có mức giá hợp lý hơn, tham gia các mạng xã hội mới, có các cơ hội giáo dục tốt hơn và giảm bớt các công việc lao động chân tay bởi vì xu thế các công việc đã và đang thay đổi.

Đối với công ty – tổ chức, các công nghệ mới đồng nghĩa với tạo ra các máy móc hoạt động hiệu quả hơn, các sản phẩm tốt hơn và thậm chí các mô hình kinh doanh mới tối ưu hơn dẫn đến gia tăng về doanh thu, nâng cao khả năng cạnh tranh, cuối cùng tạo nền tảng cải thiện năng suất lao động.

Đối với một quốc gia nói chung, chuyển đổi số tạo ra nhiều việc làm mới hơn, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, tài nguyên, gia tăng xuất khẩu và cải thiện trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giao thông…

Những tác động đến cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức,… và cả xã hội nói chung tạo ra ảnh hưởng và thúc đẩy lẫn nhau phát triển, ví dụ mọi người sẽ lựa chọn các công nghệ số thường xuyên hơn, nâng cao kỹ năng số của cá nhân, các công ty sẽ tiếp cận lực lượng lao động được trang bị kỹ năng tốt hơn. Nếu các công ty, tổ chức sớm tiến hành năng lực cạnh tranh, tạo ra các công việc mới cũng như đảm bảo các công việc đang tồn tại sẽ mang đến lợi ích cho các cá nhân và quốc gia nói chung.

Tốc độ phát triển nhanh chóng mặt của công nghệ số cũng như sức ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid-19 trong năm qua đã khiến doanh nghiệp nhận thức được sâu sắc tầm quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Nó giúp các doanh nghiệp tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, trong xu thế cách mạng 4.0, việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ như AI, IOT,… sẽ giúp cho các doanh nghiệp bắt kịp xu hướng hiện đại, tăng sức cạnh tranh và vươn lên bứt phá trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay chưa tìm được con đường phát triển của riêng mình.

Việc chuyển đổi số tác động đến tất cả các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp và trong cuộc đua hướng tới số hóa, chỉ những doanh nghiệp có thể thích nghi và chủ động, tích cực nhất mới có thể tồn tại và phát triển.

2. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Chuyển đổi Số đưa đến nhiều thách thức cũng như cơ hội trong từng lĩnh vực, trong mọi mặt đời sống xã hội, theo kết quả nghiên cứu “Công nghệ và tương lai việc làm tại khu vực ASEAN” do Cisco tiến hành với sự hợp tác của Oxford Economics dự đoán việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phần mềm, phần cứng cũng như robots sẽ làm thay đổi quan trọng bối cảnh việc làm tại sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN vào năm 2028; nền nông nghiệp dự kiến có 6,6 triệu nhân lực dư thừa vào năm 2028, chủ yếu là do thiếu hụt kỹ năng công nghệ thông tin. Theo nghiên cứu McKinsey, trí tuệ nhân tạo có tiềm năng lớn để đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu và sự tăng trưởng, dự báo đóng góp khoảng 13 tỷ USD.

Chuyển đổi Số tạo tiềm năng khổng lồ cho các lĩnh vực: thương mại, công nghiệp và xã hội nói chung, nó được hỗ trợ bởi một loạt các công nghệ mới liên kết lẫn nhau và được xử lý bằng các máy tính (bao gồm khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu (Big Data) và sử dụng các cảm biến, robot, in 3D và trí tuệ nhân tạo xuyên suốt các ngành công nghiệp. Những công nghệ này đã giúp một số công việc nhất định trở nên nhẹ nhàng hơn, thực hiện những nhiệm vụ mà trước đây là không thể và thiết kế tạo ra các dịch vụ và sản phẩm tốt hơn.

Vì vậy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây,… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Mục đích mà các doanh nghiệp chuyển đổi số thường hướng tới bao gồm: Tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, giáo dục, truyền thông,… Đồng thời, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm định hướng sự phát triển kinh tế – xã hội số. Trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp,… góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó Nhà nước – doanh nghiệp – trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp. Khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn, gây tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp, như: phục vụ khách hàng bị chậm trễ, lượng hàng bán được giảm sút,…

Tham gia quá trình chuyển đổi số, người điều hành sẽ có thể chủ động và dễ truy xuất báo cáo về các hoạt động của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp, như: nhân viên ghi nhận doanh số, biến động nhân sự, tệp khách hàng tìm hiểu sản phẩm… sẽ được thể hiện trên các phần mềm quản trị doanh nghiệp, giúp quản lý doanh nghiệp hiệu quả và minh bạch hơn.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên trong công ty. Bởi, những công việc có giá trị gia tăng thấp, hệ thống có thể tự động thực hiện mà doanh nghiệp không tốn chi phí, đồng thời cũng giúp nhân viên có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc quan trọng khác. Chuyển đổi số cũng giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo kịp thời.

Nếu sở hữu nền tảng số hóa sẽ có thể triển khai và vận hành doanh nghiệp hiệu quả, chính xác và chất lượng. Bởi các giải pháp quản trị và vận hành số hóa sẽ tăng tính hiệu quả và chính xác trong các quyết định của doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác nhờ việc tối ưu hóa quản trị, chi phí, lợi nhuận, tương tác nhanh chóng với khách hàng, chính sách chăm sóc và phục vụ khách hàng,…

Các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.

Chuyển đổi Số là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược, đây là cơ hội Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Kinh tế số Việt Nam thời gian qua cơ bản là tự phát triển, khá nhanh, do hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao và do người Việt Nam ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ thuộc hàng cao nhất trong khu vực và do dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tương đối tốt, học toán tốt, lao động chăm chỉ, do đặc điểm người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi. Đó là những thuận lợi cho Việt Nam chuyển đổi số với sự dẫn dắt của Chính phủ bằng một Chiến lược Quốc gia về Chuyển đổi Số, Kinh tế Số. Trong các nước thuộc ASEAN, Việt Nam đi sau về Kinh tế Số, Thái Lan đã đổi tên Bộ Viễn thông – Công nghệ Thông tin thành Bộ Kinh tế Số – Xã hội Số đã được hơn 3 năm. Theo báo cáo nghiên cứu của Cisco và Data 61 về kịch bản chuyển đổi số của Việt Nam, nếu Việt Nam không chủ động, chuẩn bị và đầu tư thấp trong lĩnh vực Chuyển đổi Số thì Việt Nam sẽ rơi vào kịch bản lạc hậu, trong đó, nền kinh tế Chuyển đổi Số chậm và năng suất lao động trì trệ.

Theo kết quả khảo sát mới nhất hiện nay, thì có đến 60,1% DN cho biết rào cản khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ cao. Nguyên nhân một phần là do dịch COVID-19 khiến các DN giảm doanh thu, thiếu nguồn vốn nói chung, trong đó ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số. 52,3% DN cho biết khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh là rào cản lớn thứ hai khi chuyển đổi số. Một số DN đã ứng dụng phần mềm nhưng người lao động không ứng dụng hoặc chỉ ứng dụng một phần, khiến mục tiêu chuyển đổi số của DN không đạt được như đề ra.

Về nhu cầu giải pháp chuyển đổi số cho thấy, những DN đang tăng trưởng, có nhu cầu chuyển đổi số để tăng tốc thì 63,5% DN cho biết nhu cầu lớn nhất trong giai đoạn này là giải pháp về phân tích dữ liệu, báo cáo thông minh (BI, Big Data, Data warehouse).

Về nhu cầu giải pháp chuyển đổi số, 63,5% DN đang tăng trưởng, có nhu cầu chuyển đổi số để tăng tốc cho biết nhu cầu lớn nhất trong giai đoạn này là giải pháp về phân tích dữ liệu, báo cáo thông minh (BI, Big Data, Data warehouse).

60,7% các DN có nhu cầu về giải pháp quản lý hệ thống khách hàng và quản lý kênh bán hàng. Các giải pháp còn lại gồm hệ thống hoạch định tài nguyên DN và an toàn dữ liệu có tỉ lệ lần lượt 57,8% và 50,2%.

Đối với DN muốn chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu, có đến 43,9% DN có nhu cầu hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như hướng dẫn việc khởi tạo và duy trì tài khoản, xây dựng mô hình kinh doanh, tiếp thị, vận chuyển.

42,3% DN có nhu cầu hỗ trợ về các giải pháp vận chuyển, kho bãi, logistics xuyên biên giới và 35,5% DN tìm kiếm các giải pháp thanh toán xuyên biên giới.

Riêng đối với DN mới bắt đầu chuyển đổi số có đến 57% DN tìm kiếm các giải pháp tiếp thị trực tuyến, 53,7% DN có nhu cầu về các giải pháp làm việc nội bộ.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn có những lợi thế so với các quốc gia khác trong khu vực khi thực hiên Chuyển đổi Số, đó là:

– Dân số gần 100 triệu người là một thị trường lớn khuyến khích các doanh nghiệp triển khai các mô hình kinh doanh mới, dựa trên dữ liệu, các mô hình kinh doanh nền tảng và sớm đạt được mục tiêu về quy mô kinh tế.

– Người Việt Nam cũng được đánh giá yêu toán, có năng khiếu về toán, sáng tạo và học hỏi nhanh. Theo kết quả chương trình khảo sát giáo dục PISA công bố, Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học, thứ 22 về toán trong 72 nước được tổ chức này nghiên cứu.  Đây là nền tảng cơ bản tạo ra những nhà nghiên cứu phát triển (developer), những nhà mã hóa (coder)… có khả năng bắt kịp rất nhanh với các xu hướng công nghệ mới.

– Công nghiệp ICT đã có sự tăng trưởng mạnh trong những năm vừa qua thể hiện qua doanh thu cao, giá trị xuất khẩu lớn. Năm 2018, tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 98,9 tỉ USD. Các doanh nghiệp lớn trong nước đã chuyển hướng sang tự chủ nghiên cứu, chế tạo và sản xuất. Đi đầu là Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT,… và sắp tới là Vingroup và nhiều tập đoàn, tổng công ty khác.

– Nhiều doanh nghiệp hiện tại là đối tác Công nghệ thông tin với các hãng, tập đoàn lớn trên thế giới.

– Hạ tầng viễn thông Việt Nam bảo đảm cho phát triển Kinh tế Số với mạng lưới tốc độ cao, băng thông rộng, vùng phủ lớn (mạng viễn thông Việt Nam đước xây dựng gần 1 triệu km cáp quang đến tận thôn, bản, xã, phường của 63/63 tỉnh/ thành phố trên cả nước, 53% hộ gia đình tiếp cận Internet băng rộng cố định;  sóng di động đã phủ tới 99,7% dân số. Tỉ lệ chuyển đổi mạng Internet sang IPv6 đạt trên 25%, Việt Nam lọt vào top các quốc gia có tốc độ tăngtrưởng IPv6 cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, xếp thứ 2 khu vực ASEAN và xếp thứ 13 toàn cầu về tỷ lệ ứng dụng IPv6 4).

– Với sự năng động và sáng tạo của giới trẻ, khởi nghiệp thành công, cụ thể như Topica Fouder Institute đã tạo ra hơn 60 công ty khởi nghiệp, huy động hơn 20 triệu USD từ các quỹ và có tổng định giá hơn 100 triệu USD; WeFit – xây dựng theo nguyên lý của nền kinh tế chia sẻ giữa người tập và các phòng gym có doanh thu 700.000 USD trong năm 2017 chỉ sau 1 năm hoạt động.

– Ngoài ra, do số hóa muộn, nền kinh tế Việt Nam chưa bị trói buộc vào các công nghệ cũ và có tiềm năng để ứng dụng các công nghệ mới. Ví dụ: thay vì thực hiện giao dịch không tiền mặt qua các thẻ thanh toán, Việt Nam có thể thúc đẩy mobile money để nhanh chóng tăng quy mô và độ phủ dịch vụ này, thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số.

Chuyển đổi số – Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp

Hiện cả nước có khoảng 870.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với hơn 97% DN quy mô nhỏ và vừa. Thực tế, hoạt động chuyển đổi số tại nhiều DN đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Tuy nhiên dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã khiến các DN chịu ảnh hưởng nặng nề, DN Việt với sức cạnh tranh còn thấp càng trở nên khó khăn hơn.

– Cơ hội vô giá và cuối cùng để phát triển bền vững

Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp: Việc tự động hóa các quy trình nhờ chuyển đổi số mang lại hiệu quả chung cho doanh nghiệp. Các công nghệ như AI và Machine Learning có thể xử lý dữ liệu nhanh chóng do đó tạo khả năng cung cấp các dịch vụ hiệu quả hơn cho khách hàng.

Nâng cao năng suất làm việc: Việc triển khai các giải pháp công nghệ thông minh, áp dụng vào quy trình vận hành doanh nghiệp dẫn đến năng suất làm việc tốt hơn. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tự động hóa các quy trình, giảm thiểu các công việc thủ công, cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho công việc của nhân viên và tăng cường cung cấp dịch vụ thuận tiện cho khách hàng.

Tăng doanh thu: Việc giảm chi phí vận hành, duy trì các hoạt động kinh doanh bằng cách tự động hóa các quy trình và trải nghiệm khách hàng sẽ vô hình chung nâng cao nguồn thu của doanh nghiệp. Giúp cho dịch vụ của doanh nghiệp thuận tiện, linh hoạt hơn đồng nghĩa với việc sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng và mang về lợi nhuận cao hơn.

Các doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc vào chuyển đổi số sẽ có vô vàn những cơ hội và lợi ích để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Trên đây chỉ là một vài khía cạnh chính nổi bật.

– Thách thức cũng không hề nhỏ khi chuyển đổi số

Văn hóa doanh nghiệp “cố hữu”: Các doanh nghiệp có chiến lược chuyển đổi số nhưng vẫn giữ khư khư văn hóa làm việc truyền thống khiến cho chiến lược ấy không đi về đâu. Những thói quen cũ như ngại thay đổi, thiếu sáng tạo, “nước đến chân mới nhảy”,… sẽ là con dao giết chết doanh nghiệp.

Ngân sách hạn hẹp: Đầu tư về công nghệ là một khoản đầu tư không hề nhỏ, bao gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, các giải pháp kỹ thuật. Ngân sách hạn chế là thách thức vô cùng lớn, nó làm chậm quá trình ra quyết định và buộc các nhà lãnh đạo phải lùi bước.

Chiến lược không rõ ràng: Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược tư duy truyền thống không còn phù hợp đối với mỗi doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ của mình để có một chiến lược kinh doanh công nghệ số hiệu quả, tạo ra những trải nghiệm ban đầu và lồng ghép những trải nghiệm đó vào quy trình chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra với doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi số.

3. Kiến nghị giải pháp

3.1. Đối với Chính phủ

Để thúc đẩy chuyển đổi số, đề nghị cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số; tăng cường vai trò quản lý nhà nước để tạo điều kiện thông thoáng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ số; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực số và tài chính số; chuyển đổi số phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; phát triển hạ tầng số, dữ liệu và quản trị số.

* Về cơ chế, chính sách

– Hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số về thủ tục gia nhập thị trường.

– Xây dựng chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp trong xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án về Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, công dân thông minh và chuyển đổi số các chuyên ngành quan trọng như du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông…

 Triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức tiếp cận với công nghệ số và áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, giải pháp công nghệ số do doanh nghiệp công nghệ số.

– Hỗ trợ tạo ra các môi trường thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm ứng dụng công nghệ số.

* Công tác tuyên truyền

– Tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 01/CT-TTg và Kế hoạch này trên các phương tiện truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các cơ quan bộ ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, toàn thể nhân dân về mục tiêu, vai trò quan trọng của doanh nghiệp công nghệ số trong phát triển kinh tế – xã hội, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo sự đồng thuận, quan tâm của xã hội đối với doanh nghiệp công nghệ số và sản phẩm “Make in Viet Nam”.

– Tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội; tích cực sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh và của Việt Nam trong hoạt động của cơ quan, tổ chức.

– Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm dịch vụ, giải pháp và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn tỉnh; tuyên dương các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chiến lược “Make in Viet Nam”.

* Hỗ trợ nguồn lực

– Có chính sách hỗ trợ về vay vốn đầu tư, ưu đãi về giá thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số ban đầu triển khai các dự án sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số.

– Hỗ trợ về đào tạo, chuyển gia công nghệ để từng bước xây dựng, phát triển các doanh nghiệp ứng dụng chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng giải pháp dựa trên công nghệ số.

– Định hướng hỗ trợ tối thiểu hàng năm cho các doanh nghiệp công nghệ số theo tiêu chí từng tỉnh, phát triển một số sản phẩm số trọng điểm cho các địa phương. Nghiên cứu thực hiện cơ chế đặt hàng phát triển các nền tảng, ứng dụng công nghệ số dùng chung của cả nước , đặc biệt của từng tỉnh để các doanh nghiệp công nghệ số bản địa có cơ hội tham gia, qua đó phát triển.

* Định hướng phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số

– Định hướng, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số đổi mới, chủ động sử dụng giải pháp nền tảng công nghệ số, cung cấp giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

– Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin – điện tử đã có thương hiệu chuyển chiến lược sản xuất – kinh doanh sang nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất sản phẩm công nghệ số.

– Tổ chức diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, kêu gọi các doanh nghiệp số trong và ngoài nước tham gia nhằm mục đích thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số cho đất nước.

3.2.  Đối với doanh nghiệp

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp sống sót và bứt phá. Để chuyển đổi số, doanh nghiệp nên bắt đầu từ những bước nhỏ với một kế hoạch chiến lược đã được hoạch định rõ ràng. Một chiến lược thành công bao gồm các yếu tố sau:

* Ý tưởng

Không có ý tưởng, không có thay đổi. Nếu muốn duy trì doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, tồn tại trong cạnh tranh hoặc duy trì danh tiếng thành công, doanh nghiệp cần các ý tưởng thúc đẩy các quá trình chuyển đổi số. Phân tích tình hình hiện tại của doanh nghiệp, đối thủ, thị trường, vị trí của doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp để nâng cao hoạt động kinh doanh.

* Sự tham gia toàn diện

Một chiến lược chuyển đổi số toàn diện cần phải có sự tham gia của toàn bộ nhân viên trong doanh nghiệp chứ không phải chỉ riêng các cấp lãnh đạo. Ngoài ra, doanh nghiệp nên khuyến khích nhân viên đưa ra các ý tưởng mới. Đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của tất cả mọi người để đưa ra phương án tối ưu.

* Lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp

Có rất nhiều các giải pháp công nghệ trên thị trường hiện nay và không phải giải pháp công nghệ nào cũng phù hợp với tất cả. Doanh nghiệp tham khảo và tìm hiểu để có sự lựa chọn đúng đắn nhất.

* Kiểm tra và đánh giá thường xuyên

Mọi thứ đều không có gì hoàn hảo chính vì vậy hãy đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể lường trước được mọi rủi ro và cán đích thành công.

Thay đổi

 Quá trình chuyển đổi số yêu cầu các doanh nghiệp phải sẵn sàng liên tục thay đổi. Việc này đòi hỏi phải phân tích liên tục các quy trình và dữ liệu để nâng cao dịch vụ và tìm cơ hội mới cho doanh nghiệp.

Nhìn chung, chuyển đổi số chính là cơ hội và thách thức với doanh nghiệp, đòi hỏi nhiều sự thay đổi và thích ứng nhanh lẹ. Một chiến lược chi tiết và rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro và tiến tới thành công trên hành trình chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp sống sót và bứt phá.

ThS Chúc Kim Vinh

Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội

Tài liệu tham khảo:

  1. Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;
  2. Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông)
  3. Các trang Digitaltransfomation
  4. Công văn số 1080/BTTTT-CNTT ngày 30/3/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số;
  5. Công văn số 2429/BTTTT-CNTT ngày 08/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đôn đốc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số;

Theo (Đặc san Phát triển kinh tế – Xã hội) số (2)18/2022)

Trả lời