Năng lượng tái tạo – xu hướng trong phát triển nền kinh tế “xanh” trên thế giới – tiềm năng trong hợp tác đa quốc gia, góp phần gia tăng GDP tại Việt Nam

Năng lượng tái tạo (NLTT) đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới trong việc làm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch (như: than đá, dầu mỏ…) ngày càng trở nên cạn kiệt, gây ô nhiêm môi trường. Đây được coi là hướng đi mới cho thấy sự chuyển dịch nhằm tái cơ cấu ngành năng lượng theo hướng sạch và bền vững. Quá trình chuyển đổi và phát triển nguồn NLTT đang dần chiếm vị trí quan trọng trong phát triển nền kinh tế “xanh” bền vững tại các quốc gia trên thế giới do những lợi thế về tận dụng tối đa nguồn năng lượng được hình thành liên tục trong tự nhiên (như: ánh sáng mặt trời, mưa, gió, thủy triều, sóng, địa nhiệt…) thông qua công nghệ hiện đại chuyển đổi thành các nguồn năng lượng (như: điện, nhiệt, quang điện, nhiên liệu động cơ…) phục vụ đời sống sinh hoạt của con người cũng như góp phần làm giảm tác hại của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu gây ra trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ước tính đến năm 2025, NLTT sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp một phần ba lượng điện trên thế giới, ước tính, công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024. Theo nghiên cứu, cho thấy:  1)Tại thị trường EU – khu vực đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng đẩy mạnh hạ tầng kỹ thuật phát triển nguồn năng lượng sạch. Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi hướng đi ngành năng lượng, EU đặt mục tiêu sẽ tăng tỷ trọng nguồn NLTT và năng lượng sinh học lên 60% vào năm 2030, và tăng cường công suất điện gió ngoài khơi lên gấp 25 lần vào năm 2050, nhằm đạt mục tiêu trung hòa khí thải Các – bon năm 2050. Để đẩy nhanh kế hoạch “Năng lượng sạch cho toàn châu Âu”, các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành đầu tư xây dựng 17 dự án lớn về năng lượng sạch. Theo đó, các thành viên EU sẽ nhanh chóng chuyển đổi sang nền kinh tế có mức độ thải khí Các – bon thấp, an toàn sức khỏe cho người dân và góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho nhiều ngành công nghiệp. 2) Tại thị trường Mỹ, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của phát triển bền vững gắn liền với đảm bảo nguồn NLTT, để giảm dần những vấn đề môi trường gây hại sức khỏe từ các nhà máy năng lượng sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, Chính phủ Mỹ đã đầu tư rất lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng các nhà máy sản xuất NLTT. Trong giai đoạn 2011 – 2014, tại California đã xây dựng 02 nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới. Thành phố Babcock Ranch, Florida (Mỹ) vào thời điểm cuối năm 2018 đã trở thành một trong những thành phố bền vững và thân thiện với môi trường bậc nhất trên thế giới. Tại đây, 100% điện năng sử dụng đều là từ NLTT và áp dụng theo công nghệ điện lưới thông minh. Trong nghiên cứu “Triển vọng năng lượng tái tạo” do Cơ quan Thí nghiệm NLTT quốc gia (NREL), Bộ Năng lượng Mỹ tiến hành cho thấy, Mỹ là một trong những nước sản xuất NLTT đi tiên phong trên thế giới và có thể sản xuất 80% điện năng từ NLTT bằng công nghệ hiện có, bao gồm: turbine gió, điện quang mặt trời, địa nhiệt và thủy điện, hầu hết các nhà máy nhiệt điện than đá và nhà máy điện hạt nhân sẽ ngừng hoạt động vào năm 2030, những nhà máy còn lại sẽ dừng hoạt động vào năm 2050.

Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của ngành NLTT dần thay thế cho năng lượng sử dụng hóa thách đang diễn ra tại quốc gia đi đầu nền kinh tế thế giới, càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế phải gắn liền với việc phát triển năng lượng bền vững, an toàn.

          NLTT phần lớn là loại năng lượng có khả năng phục hồi và có các dạng sau đây:

  1. Thủy điện: Thủy điện phụ thuộc vào nước, thường là dòng nước chảy với tốc độ nhanh ở những con sông hoặc ở thác nước, tận dụng sức nước để thiết lập tuabin máy phát điện. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều công trình thủy điện không được xem là nguồn NLTT vì những con đập thủy điện sẽ làm chuyển hướng và giảm dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến quần thể thủy sinh vật và con người sinh sống quanh đó.
  2. 2. Năng lượng mặt trời: Tế bào quang điện (solar cell) chủ yếu được làm từ silicon hoặc các vật liệu khác có khả năng biến đổi ánh sáng mặt trời trực tiếp thành điện năng. Hệ thống năng lượng mặt trời ngày này được ứng dụng trực tiếp với các quy mô lớn nhỏ khác nhau ngay trên mái nhà của hộ gia đình, doanh nghiệp. Hệ thống năng lượng mặt trời đã tạo ra nguồn điện năng dồi dào nhưng không hề ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên do hệ thống phát điện bằng các tấm pin năng lượng mặt trời không sản sinh ra các chất gây ô nhiễm không khí và đặc biệt là không tạo ra CO2 (gây hiệu ứng nhà kính), chỉ cần chúng được lắp đặt đúng cách thì hầu hết các tấm pin năng lượng mặt trời ít tác động đến môi trường.
  3. Năng lượng từ gió: Ngày nay các tuabin gió được xây dựng rất cao và lớn. Đây là thiết bị để giúp tạo ra một lượng tương đối lớn dựa vào sức gió thổi. Năng lượng từ gió cũng như nguồn năng lượng mặt trời vậy, đây được coi là nguồn năng lượng rẻ – an toàn – sạch.
  4. Năng lượng sinh khối: Sinh khối là vật liệu hữu cơ có nguồn gốc từ động vật và bao gồm cây trồng, cây cối. Khi sinh khối bị đốt cháy, năng lượng được giải phóng dưới dạng nhiệt và có thể tạo điện bằng tuabin hơi nước. Gần đây khoa học cho rằng nhiều dạng sinh khối, đặc biệt là từ rừng lại tạo ra lượng CO2 cao và gây ra những hậu quả tiêu cực đối với sự đa dạng sinh học. Vì thế sinh khối đang dần không được coi là nguồn năng lượng sạch nữa.
  5. Nhiên liệu hydrogen và pin nhiên liệu hydro: Đây là loại năng lượng mà những năm gần đây chúng ta mới được biết đến nhiều như xe chạy bằng hơi nước. Ứng dụng nhiên liệu đốt hydrogen có thể giảm đáng kể ô nhiễm trong thành phố. Hydrogen còn được sử dụng trong pin nhiên liệu hydro, tương tự như pin lưu trữ điện để cung cấp năng lượng cho động cơ điện. Ngày nay, có một số phương pháp hứa hẹn để sản xuất khí hydro chẳng hạn như năng lượng mặt trời, chúng ta có thể hy vọng vào một bức tranh tích cực hơn trong tương lai.
  6. Năng lượng địa nhiệt: Là năng lượng được tách ra từ nhiệt trong tâm của Trái Đất. Ở một số khu vực nhất định, độ dốc địa nhiệt sẽ đủ cao để có thể khai thác và tạo ra điện. Công nghệ để khai thác năng lượng này còn bị giới hạn bởi một vài nơi trên thế giới cũng như còn tồn tại nhiều vấn đề kỹ thuật chưa dự đoán hết.
  7. Các dạng năng lượng tái tạo khác: Năng lượng thủy triều, đại dương và phản ứng tổng hợp hydro nóng là những dạng khác có thể được sử dụng để tạo ra điện. Những dạng năng lượng này có những nhược điểm vẫn đang được các nhà khoa học thảo luận để giải quyết trong cuộc khủng hoảng năng lượng sắp tới.

Trên thế giới, có ít nhất 30 quốc gia đã sử dụng NLTT và cung cấp hơn 20% nhu cầu năng lượng của họ [1]. Việt Nam là một quốc gia hội tụ những đặc điểm về địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các loại NLTT. Với vị trí địa lý có đường biển dài, thời tiết nằm trong khu vực á nhiệt đới, thời lượng mặt trời chiếu sáng gần như quanh năm… đây là lợi thế cho Việt Nam trong xây dựng, phát triển nền công nghiệp NLTT như: nhà máy năng lượng mặt trời, nhà máy năng lượng gió. Đây là việc có ý nghĩa vô cùng to lớn trong định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, cũng như duy trì và bảo đảm an ninh năng lượng. Phát triển NLTT còn đang là cuộc chay đua năng lượng trên trường quốc tế, tạo nên vị thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Trong tương lai, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế triển vọng này, bởi việc phát triển NLTT sẽ tạo sức cạnh tranh cho cả nền kinh tế, là yếu tố tất thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới.

Nhận thấy tầm quan trọng của ngành NLTT, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn NLTT quốc gia. Về định hướng, Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện sự quan tâm tới phát triển NLTT một cách xuyên suốt từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX của Đảng năm 2001. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các cơ chế chính sách khuyến khích về NLTT. Cụ thể về cơ chế khuyến khích phát triển NLTT:

  1. Quy định trách nhiệm mua điện và ưu tiên huy động công suất từ nguồn NLTT: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất từ nguồn NLTT. Các nhà máy sản xuất điện từ nguồn NLTT được ưu tiên khai thác toàn bộ công suất và điện năng phát phù hợp với chế độ cung cấp nhiên liệu của khu vực nhà máy. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ đầu tư, đảm bảo họ sẽ được phát tối đa công suất và bán được toàn bộ sản lượng điện sản xuất từ nguồn NLTT.
  2. Cơ chế hỗ trợ về giá điện: Sản lượng điện sản xuất từ nguồn thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, chất thải rắn được mua với giá cao hơn giá mua điện từ nguồn năng lượng truyền thống (thủy điện lớn, nhiên liệu hóa thạch). 3. Các cơ chế, chính sách khuyến khích khác: Bên cạnh các ưu đãi như trên, các dự án NLTT còn được hưởng trợ giá đối với sản phẩm của dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM), hưởng ưu đãi về mức vốn cho vay, thời hạn cho vay, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước, miễn thuế bảo vệ môi trường… theo quy định ưu đãi về thuế.

          Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền “kinh tế xanh” đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, NLTT ngày càng được chú trọng. Việt Nam cần phải đẩy mạnh phát triển NLTT nhanh hơn nữa, vừa tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ “kinh tế xanh”, vừa là điểm then chốt để đạt mục tiêu “phát triển bền vững” của đất nước và cải thiện được vấn đề về môi trường, khí hậu bảo vệ sức khỏe người dân.

Bộ Công Thương cũng có Quyết định 2023/QĐ-BCT ngày 05/7/2019 phê duyệt “Chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025” và nhiều thông tư hướng dẫn cùng các chương trình kế hoạch triển khai thực hiện. Cùng với đó, phát triển nguồn NLTT song song với tăng cường hiệu quả sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất nhằm giảm chi phí và giảm tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người dân. Trong năm 2022, sản lượng điện NLTT đạt gần 130 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 48% sản lượng điện phát của hệ thống điện Việt Nam, trong đó: 35% là thủy điện và 13% là điện gió, mặt trời và sinh khối. Tỷ trọng phát điện của NLTT không ngừng tăng cao trong cơ cấu phát điện của hệ thống điện Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2022, từ 27% vào năm 2010 lên đến hơn 48% vào năm 2022, đặc biệt với sự đóng góp rất lớn từ điện gió, mặt trời. Xét thấy NLTT là nguồn năng lượng sạch giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, không gây ô nhiễm trong quá trình chuyển đổi. Vì thế theo Bộ Công thương, đến 2030 Việt Nam đặt mục tiêu và định hướng phát triển mạnh mẽ nguồn NLTT. Với vị trí địa lý nằm ở khu vực cận xích đạo, Việt Nam có nhiều tiềm năng tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời, với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230 – 250 kcal/cm2/ngày, theo hướng tăng dần về phía Nam. Đây là một lợi thế cho Việt Nam khai khác nguồn NLTT trên để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt người dân. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều dự án năng lượng mặt trời tập trung ở các tỉnh miền Trung và miền Nam mang lại cho Chính phủ và cộng đồng nhiều lợi ích. Hiện nay, ngày càng nhiều hộ gia đình nhận thấy ích lợi từ việc sử dụng thiết bị tấm pin năng lượng mặt trời cho những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình giúp tiết kiệm chi phí và chủ động trong sử dụng điện năng.

Ngoài ra, Việt Nam có đường biển dài 3.200km với tốc độ gió ở Biển Đông hàng năm là 6m/s đây được coi là triển vọng to lớn cho việc phát triển năng lượng gió. Tổng tiềm năng khai thác năng lượng gió khoảng 513.360 MW. Các khu vực đang đưa vào khai thác điện gió tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu… và các đảo. Tuy nhiên hiện nay, công nghệ điện gió còn đang gặp phải một số rào cản về phương tiện kỹ thuật và nguồn nhân lực trình độ cao.

          Trong năm 2022, tỷ trọng sản lượng huy động của một số loại hình nguồn điện chính trên tổng sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống [2], như sau:

          – Thủy điện huy động đạt trên 82 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng trên 36%.

          – Nhiệt điện than huy động đạt trên 86 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng trên 38%.

          – Tuabin khí huy động đạt trên 23 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng trên 10%.

          – Năng lượng tái tạo huy động đạt gần 30 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng trên 13% (trong đó: điện mặt trời đạt 22 tỷ kWh, điện gió đạt 7 tỷ kWh).

          – Điện nhập khẩu đạt trên 2 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng trên 1%.

          – Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh.

Cũng theo EVN, do gia nhiên liệu đầu vào sản xuất nhiệt điện truyền thống (như: than đá, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay đã làm chi phí giá tiền điện tăng cao, cũng như gây quá tải hệ thống. Thời gian tới, để đối phó với trình trạng trên, cần thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng công nghệ trong khai thác, sản xuất NLTT cũng như có giải pháp quản lý năng lượng thông minh.

Cùng với sự phát triển bùng nổ của ngành NLTT ở các nước phát triển trên thế giới, xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư với số vốn lớn và nắm giữ công nghệ, quy trình, kỹ thuật vận hành nhà máy NLTT. Đây cũng chính là một tiềm năng cho Việt Nam trong thu hút những đối tác trong ngành này xuất khẩu đầu tư phát triển NLTT đang còn non yếu ở nước ta. Hiện nay, CHLB Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Từ năm 2013, năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hợp tác của Chính phủ Đức tại Việt Nam. Chính phủ CHLB Đức đã hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính. Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã hỗ trợ thực hiện nhiều dự án thuộc các lĩnh vực cụ thể của ngành năng lượng tại Việt Nam nhằm đóng góp vào chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Tại Hội nghị về biến đối khí hậu toàn cầu COP26 được tổ chức tại Vương quốc Anh vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra sáng kiến Chỉ số Xanh với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhằm thúc đẩy cải cách thể chế về môi trường cũng như các hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững vì lợi ích của người dân và nền kinh tế, cũng như mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực điện khí (LNG), năng lượng sạch, NLTT góp phần phát triển thương mại hai chiều hài hòa và thực hiện mục tiêu an ninh năng lượng [3]. Bàn về cơ hội đầu tư trong lĩnh vực NLTT, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng về NLTT như: năng lượng điện gió, điện Mặt Trời. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cho sự phát triển của NLTT, hoàn thiện hệ thống truyền tải. Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2030, tỷ lệ công suất điện tái tạo chiếm 45% công suất toàn hệ thống. Dự kiến, nguồn lực cần có để thực hiện chương trình phát triển nguồn điện và lưới điện khoảng 14 tỷ USD, do đó, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Hoa Kỳ trong chia sẻ nguồn lực, công nghệ, ông Hoàng Tiến Dũng nhấn mạnh. Đại diện ý kiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Ken Haig, Giám đốc Chính sách năng lượng châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản của Amazon Web Service (AWS), một công ty của Amazon.com bày tỏ băn khoăn, làm sao thúc đẩy nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực NLTT tại Việt Nam: “Muốn thế, cần chiến lược mang tính chất dài hạn, đặc biệt là phải có hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin. Đây là cơ hội đối với Việt Nam để có được những lợi ích từ công nghệ này, xanh hóa dự án đầu tư.” Amazon đặt mục tiêu 100% về NLTT, vận chuyển logistics xanh; đồng thời, cần có những đóng góp tích cực vào hoạt động đầu tư liên quan NLTT tại Việt Nam.

Ông Kris Karafa, Giám đốc Điều hành Công ty Gen X Energy – một liên doanh đối tác đầu tư với tỉnh Bình Thuận ở nhiều dự án về NLTT cũng cho biết, doanh nghiệp này sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Hiện nay, doanh nghiệp rất quyết tâm và đã sẵn sàng nguồn lực để đầu tư dự án sản xuất NLTT tại Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, hài hòa lợi ích quốc gia -cộng đồng – nhà đầu tư – môi trường.

Có thể thấy, việc phát triển NLTT mang lại nhiều cơ hội trong hợp tác, thu hút các nhà đầu tư, giúp Việt Nam vươn lên trở thành một trong những thị trường NLTT phát triển nhanh nhất châu Á và tạo ra chỉ số tăng trưởng xanh bền vững trong khu vực và trên thế giới. Để tăng tốc tăng trưởng xanh, tính riêng đối với chuyển dịch 02 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP của Việt Nam lên tới 70 – 80 tỷ USD, tạo ra khoảng 90 – 105.000 việc làm trực tiếp [4]. Đối với hệ sinh thái Hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40 – 45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40 – 50.000 việc làm, mang lại lợi ích cho cả thị trường nội địa lẫn tiềm năng xuất khẩu đến các nước phát triển trên thế giới[5]. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Có thể thấy, vấn đề năng lượng là vấn đề toàn cầu, Việt Nam là quốc gia có nhiều thuận lợi trong phát triển NLTT và tăng trưởng xanh góp phần rất lớn trong việc gia tăng GDP quốc gia và tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản không thể tái tạo được cho thế hệ tương lai, cũng như tăng cường an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường sống, giảm lượng khí thải Các – bon. Đây là hướng đi trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong tình hình mới, đáp ứng xu thế toàn cầu đồng thời giải quyết vấn đề cấp bách về năng lượng và môi trường hiện nay của chúng ta.

[1] Theo số liệu của Wikipedia.org

[2] Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2022

[3] Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ.

[4], 5 Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý lớn thứ 2 Thế giới Boston Consulting Group (BCG)

Tác giả: ThS. Nguyễn Xuân Sáng

Đặc san phát triển kinh tế – xã hội số 21

Trả lời