Giải quyết các thách thức trong giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài

Tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thời gian qua rất chậm. Thực tế này đòi hỏi phải có các biện pháp nhằm giải quyết các thách thức, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn vay nước ngoài.

Tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thời gian qua rất chậm.

Giải ngân chậm

Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2019 rất chậm. Cụ thể, ước lũy kế giải ngân cấp phát đầu tư phát triển là 2.050 tỷ đồng, mới chỉ đạt 3,42% kế hoạch vốn Quốc hội giao; Giải ngân chi thường xuyên là 833 tỷ đồng, chỉ đạt 17,85% dự toán Quốc hội phê duyệt; Cho vay lại chính quyền địa phương khoảng 216 tỷ đồng, chỉ đạt 1,26% kế hoạch và giải ngân cho vay lại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công là 7.664 tỷ đồng, mới đạt 29,22% hạn mức giải ngân cho vay lại.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầuTheo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 26 khoản vay với tổng trị giá là 3.463 triệu USD ký mới từ năm 2016 đến nay, có nhu cầu giải ngân nhưng chưa được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, việc thông báo kế hoạch vốn năm 2019 của các Bộ ngành và địa phương hiện đang triển khai rất chậm. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Tình trạng này dẫn đến việc rất nhiều Bộ ngành và địa phương không có nguồn vốn để giải ngân, trong khi nhu cầu thực hiện các dự án là rất cấp bách.

Việc điều chỉnh kế hoạch vốn ở các dự án và các tiểu dự án diễn ra thường xuyên và liên tục ở tất cả Bộ ngành và địa phương. Tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn theo quy định là rất phức tạp qua nhiều cấp, dẫn đến thủ tục điều chỉnh bị kéo rất dài.

Vướng mắc về thủ tục đầu tư cũng là một nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn vay nước ngoài chậm. Theo Bộ Tài chính, việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư của dự án thường kéo dài, trong một số trường hợp việc chuẩn bị đầu tư kéo dài dẫn đến thời gian triển khai dự án là không đủ và chủ dự án buộc phải làm thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Trong nhiều trường hợp, các dự án mặc dù được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng công tác triển khai rất chậm. Điều này cho thấy, công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tư vấn thiết kế dự án, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư… thường là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm triển khai dự án…

Giải quyết các thách thức

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn vay nước ngoài của Việt Nam, nhóm 6 nhà tài trợ phát triển của Việt nam gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (K-EXIM), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàngThế giới (WB) đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm giải quyết các thách thức của Việt Nam trong giải ngân các nguồn vốn.

Theo đó, Chính phủ cần tăng cường năng lực của các cơ quan liên quan đến quản lý ODA bằng cách tăng cường phối hợp; tăng cường giám sát và đánh giá với trọng tâm là quy trình đạt hiệu quả và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng về các quy định pháp luật mới.

Cần thiết sửa đổi Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để đảm bảo sự thống nhất và rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tham gia khác nhau.

Nhóm 6 ngân hàng phát triển cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam về tính sẵn sàng của dự án. Trong đó, cần khuyến khích đấu thầu trước (ít nhất là đến bước hoàn thành hợp đồng) trước khi phê duyệt hoặc ký thoả thuận vay; Chủ đầu tư phân bổ vốn đối ứng để chuẩn bị thiết kế chi tiết và hồ sơ mời thầu trước khi phê duyệt khoản vay.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần đơn giản hóa các thủ tục về phê duyệt chủ trương đầu tư và giao kế hoạch vốn hàng năm. Đơn giản hóa thủ tục về phân bổ ngân sách bổ sung theo kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án đang được thực hiện. Đảm bảo tính linh hoạt cao để cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm hoặc có thể là kế hoạch đầu tư công trung hạn quay vòng…

TAGS đầu tư công ODA giải ngân vốn vay nước ngoài vay ưu đãi

N. Ánh

Nguồn : tapchitaichinh.vn

 

 

Trả lời