“Vật vã” dự án BOT ngành điện

Nhiều dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) trong ngành điện phải đối mặt với thách thức, khó vào kịp như tiến độ đã cam kết.

Dự án đang triển khai: Ngóng tiến độ

Hiện có 4 dự án điện BOT đang trong bước triển khai xây dựng nhà máy chính là BOT Hải Dương (1.200 MW), BOT Duyên Hải 2 (1.320 MW), BOT Nghi Sơn 2 (1.200 MW) và BOT Vân Phong 1 (1.320 MW). Được kỳ vọng về đích nhanh nhất trong số này là Dự án BOT Hải Dương do Công ty Jaks Pacific Power Limited triển khai. Được khởi công xây dựng nhà máy chính vào tháng 3/2016, theo cam kết trong hợp đồng BOT, Dự án sẽ vận hành tổ máy 1 vào ngày 1/12/2020 và tổ máy 2 vào ngày 1/6/2021.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, đến nay, tiến độ tổng thể của Dự án đã đạt khoảng 75%. Tổng vốn huy động đạt 1,17 tỷ USD, trong đó vốn vay ngân hàng là 877,5 triệu USD, vốn góp là 292,5 triệu USD. Dự án đang giải quyết mặt bằng để làm bãi thải xỉ và giấy phép xây dựng đập chắn của bãi thải xỉ. Như vậy, so với tiến độ đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, các tổ máy của BOT Hải Dương đã chậm hơn 1 năm.

Dự án BOT Duyên Hải 2 do Công ty Janakuasa SDN BHD (Malaysia) đầu tư được khởi công từ tháng 5/2017, với cam kết là tháng 6/2021 sẽ vận hành thương mại tổ máy 1 và tháng 9/2021 vận hành thương mại tổ máy 2. Theo đánh giá của Bộ Công thương, tiến độ tổng thể của Dự án đạt khoảng 57,63%, đã giải ngân được 704,2 triệu USD, trong đó vốn góp là 544 triệu USD, vốn vay là 160,2 triệu USD.

Các vấn đề đang được giải quyết ở BOT Duyên Hải 2 là nạo vét khu vực trước bến cảng than và giải phóng mặt bằng đường dây 500kV đấu nối nhà máy tới trạm biến áp của EVN.

Ở Dự án BOT Nghi Sơn 2, chủ đầu tư là Công ty Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) cam kết vận hành tổ máy 1 vào tháng 2/2022 và tổ máy 2 vào tháng 8/2022. Đến nay, tiến độ tổng thể của Dự án đạt khoảng 43,15%. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công xây dựng đến nay là khoảng 580 triệu USD, trong đó, 5 triệu USD từ vốn điều lệ.

Hiện Dự án cũng đang giải quyết các vấn đề liên quan gồm chính sách thuế nhập khẩu; chuyển nhượng vốn điều lệ của Công ty BOT; kênh xả nước làm mát; sửa đổi PPA liên quan đến ngân hàng chuyển đổi.

Với Dự án BOT Vân Phong 1 do Công ty Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư vừa được khởi công xây dựng ngày 5/11/2019, chủ đầu tư cam kết sẽ vận hành thương mại tổ máy 1 vào tháng 9/2023 và tổ máy 2 vào tháng 1/2024. Đến nay, 328,5 triệu USD vốn vay đã được bên cho vay giải ngân và 109,67 triệu USD vốn chủ sở hữu đã được chuyển vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ.

Điểm vướng của BOT Vân Phong 1 là đường dây 500 kV đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà có đi qua đất rừng, nên cần sự phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Thủ tướng Chính phủ mới có thể tiến hành giải phóng để thi công được. Đáng nói là, nếu không có đường dây kịp thời giải toả công suất điện cho nhà máy theo cam kết, Nhà nước có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt lên tới cả triệu USD mỗi ngày.

Dự án đang đàm phán: Chờ chốt hạ

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, hiện có 4 dự án BOT khác đang hoàn thiện bộ hợp đồng BOT để chuẩn bị ký chính thức gồm Vũng Áng 2 (1.200 MW), Nam Định 1 (1.200 MW), Vĩnh Tân 3 (1.980 MW) và Sông Hậu 2 (2.120 MW).

Dự án BOT Vũng Áng 2 do Công ty OneEnergy Asia Limited (Cayman Island) là nhà đầu tư có 2 cổ đông là Mitsubishi (Nhật Bản) và CLP (Hồng Kông). Theo đánh giá của Bộ Công thương, các tài liệu dự án đã cơ bản được hoàn thiện. Hiện nay, chủ đầu tư đang làm việc với bên cho vay để rà soát các tài liệu dự án, nhằm hoàn thiện và tiến tới ký chính thức bộ hợp đồng BOT.

Dẫu vậy, so với tiến độ đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh là vận hành thương mại tổ máy 1 vào năm 2021 và tổ máy 2 vào năm 2020, thì có thể thấy rõ, Vũng Áng 2 không thể kịp hoàn thành.

Tại Dự án BOT Nam Định 1 với chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ nhất,  2 cổ đông sở hữu là Công ty TNHH Điện lực Taekwang (Hàn Quốc) và Công ty quốc tế về dự án Điện và Nước  (Arab Saudi), vấn đề đang giải quyết là nguồn than trong nước cấp cho Dự án; Chính phủ bảo lãnh nghĩa vụ của TKV; đường dây đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia.

Còn Dự án BOT Vĩnh Tân 3 của tổ hợp các nhà đầu tư gồm OneEnergy Ventures Limited (Hồng Kông) – 49%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam – 29% và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương – 22%, về cơ bản, đã kết thúc quá trình đàm phán. Hiện hợp đồng BOT và bảo lãnh Chính phủ ở Dự án còn 2 vấn đề chính là cơ chế chuyển đổi ngoại tệ và giới hạn trần với các khoản vay trong công thức thanh toán chấm dứt. Được biết, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, song chưa có chỉ đạo cuối cùng.

Dự án BOT Sông Hậu 2 do Tập đoàn Toyo Ink (Malaysia) đầu tư cũng đã cơ bản hoàn tất quá trình đàm phán. Ngoài hợp đồng mua bán điện với câu chuyện phương án trung chuyển than chưa chốt do dhà đầu tư chưa đề xuất cụ thể, thì hợp đồng BOT và bảo lãnh Chính phủ đang vướng câu chuyện cơ chế chuyển đổi ngoại tệ và thỏa thuận chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung giữa Tập đoàn Toyo Ink và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nhà đầu tư Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 liền kề).

4 dự án BOT đã vào vận hành thương mại
Dự án BOT Phú Mỹ 2.2 của các nhà đầu tư là EDF, Sumitomo, Jera, đã vận hành thương mại từ năm 2005 và sẽ chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam vào năm 2025.
Dự án BOT Phú Mỹ 3 có các nhà đầu tư là Sembcorp, Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation, đã vận hành thương mại từ năm 2004 và sẽ chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam vào năm 2024.
Dự án BOT Mông Dương 2 có nhà đầu tư AES, Posco và Tập đoàn đầu tư Trung Quốc, đã vận hành thương mại toàn bộ nhà máy ngày 22/4/2015.
Dự án BOT Vĩnh Tân 1 có các nhà đầu tư là Công ty Lưới điện phương Nam Trung Quốc, Công ty Điện lực quốc tế Trung Quốc và Tổng công ty Điện lực Vinacomin Việt Nam, đã vận hành thương mại toàn bộ nhà máy vào ngày 27/11/2018.

Theo Đầu Tư
Nguồn link gốc :https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vat-va-du-an-bot-nganh-dien-d10197.html

Trả lời