Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi: “Bẫy dân” để cưỡng chế thi hành án?

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã đăng tải bài viết: “Cần làm rõ việc bán đấu giá tài sản của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi”, phản ánh việc vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuyển, bà Trần Thị Ngọc Xuyến bảo lãnh cho Công ty Hân Vi thế chấp thửa đất hơn 3.000 m2, nằm ven đường Xuyên Á, thuộc địa bàn xã Tân Phú Trung, giá thị trường khoảng 10 tỷ đồng, nhưng do làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp không trả được nợ nên người bảo lãnh phải trả nợ thay. Oái ăm, khi người dân đã trả nợ xong thì Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi lại mập mờ để cố tình bán đấu giá lô đất với giá “bèo” 1,7 tỷ đồng.

  Đơn tố cáo của ông Tuyển và xác nhận của ngân hàng đã thu đủ tiền thế chấp tài sản

Theo quyết định của Bản án số 733/2012/KDTM-ST ngày 30/5/2012 của TAND TP Hồ Chí Minh và Quyết định Thi hành án số 193/QĐ-CCTHA ngày 8/1/2014 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuyển, ở xã Tân Phú Trung phải trả nợ thay số tiền hơn 428 triệu đồng Công ty Hân Vi vay của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam. Theo Quyết định Thi hành án số 04/QĐ-CCTHA ngày 2/10/2014 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi, phía Ngân hàng đã chuyển toàn bộ giấy tờ thế chấp lô đất hơn 3.000m2 cho Chi cục để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản. Chi cục trưởng, Chấp hành viên Chi Cục Thi hnhf án Dân sự huyện Củ Chi đã có dấu hiệu “gian dối”, “bẫy dân” để tự nguyện thi hành án.

Cụ thể, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi đã ban hành quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất diện tích 3.087 m2, thửa 107, tờ bản đồ số 20 tọa lạc tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thuộc quyền sở hữu của ông Tuyển, bà Xuyến. Sau đó, ngày 15/6/2016, Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước dưới sự chỉ đạo của Chi cục trưởng Nguyễn Văn Nghĩa đã thỏa thuận với ông Tuyển tại biên bản làm việc rằng, ông Tuyển có nguyện vọng nhận lại tài sản thế chấp và đề nghị Ngân hàng đồng ý trả cho ông toàn bộ số tiền nghĩa vụ trả nợ. Cùng ngày, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi đã có công văn số 956/CCTHA gửi Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam đề nghị chấp thuận phương án trên và được Ngân hàng đồng ý.

Do tin tưởng những khẳng định đầy chắc chắn của cả Chi cục trưởng và Chấp hành viên Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi nên ông Tuyển đã tự nguyện trả toàn bộ số tiền 314 triệu còn lại với niềm tin sẽ lấy lại được Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất. Nhưng sau khi làm theo “thỏa thuận” này thì được biết quyền sử dụng đất vẫn bị mang ra đấu giá, ông Tuyển, bà Xuyến thất vọng tột cùng, không khác nào bị lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật để “lừa dối” một cách “trắng trợn”. Sau khi nhận được kết quả thẩm định giá tài sản, ông Tuyển tiếp tục có đơn yêu cầu định giá lại tài sản nhưng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi vẫn “làm ngơ”, sau 2 ngày kể từ khi hoàn tất việc bán đấu giá mới có văn bản trả lời cho vợ chồng ông Tuyền thể hiện sự thiếu trách nhiệm, quan liêu của các cán bộ có thẩm quyền.

    Ông Tuyển bên thửa đất trị giá 10 tỷ nhưng được bán đấu giá 1,7 tỷ đồng

Quyền sử dụng đất giá trị thực tế hơn 10 tỷ đồng bị bán đấu giả một cách rẻ mạt với chỉ 1,7 tỷ đồng (quyền sử dụng đất 3.087m2 đã được UBND huyện Củ Chi chuyển đổi thành đất thổ cư, tách thành 10 quyền sử dụng đất tại Quyết định số 1672 ngày 13/3/2015). Vợ chồng ông Tuyển hoàn toàn không được giải thích, không được thông báo bằng bất cứ văn bản nào về quyền được được nhận lại tài sản nếu nộp đủ số tiền phải thi hành án trước 1 ngày khi mở cuộc bán đấu giá theo khoản 5, Điều 101 Luật THADS. Phải chăng có sự thông đồng, móc nối giữa cơ quan thi hành án và đơn vị bán đấu giá để bán tài sản một cách bất chấp pháp luật? Không những vậy, Chấp hành viên còn không tất toán số tiền đã bán đấu giá và số tiền ông Tuyển đã nộp, để sau tới 7 ngày, kể từ ngày ông Tuyển tự nguyên nộp số tiền 314 triệu đồng thì Chấp hành viên mới chuyển giao tiền cho ngân hàng, thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ.

Sự việc đã xảy ra từ cuối tháng 1/2016 gây thiệt hại lớn cho đương sự. Quá bức xúc, vợ chồng ông Tuyển liên tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan trung ương và được chuyển đơn về Cục Thi hành án Dân sự TP Hồ Chí Minh. Căn cứ Điều 157 Luật THADS và Thông tư 02/2016/TT- BTP quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự, thời hạn giải quyết tố cáo trong thi hành án tối đa là 60 ngày kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp có thể kéo dài đến 90 ngày. Thế nhưng đến nay đã hơn 3 năm, gia đình ông Tuyển không nhận được một câu trả lời thỏa đáng nào. Cục Thi hành án Dân sự TP Hồ Chí Minh cũng không ra quyết định chính thức giải quyết vụ việc để công dân thi hành, Chi Cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi không tất toán số tiền của công dân bị chiếm giữ – gồm số tiền bán đấu giá đất của họ và số tiền họ đã nộp cho cơ quan thí hành án, khiến họ tiếp tục khiếu nại, gây bất ổn về trật tự hành chính – tư phápVậy, có hay không sự  bao che, dung túng cho những sai phạm của  Cục Thi hành án Dân sự TP Hồ Chí Minh, rất cần được làm rõ?

Trong thời gian qua, có nhiều chấp hành viên mắc sai phạm nghiêm trọng khi tổ chức thi hành án và đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Cơ quan Thi hành án huyện Củ Chi được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật nhưng lại không tuân thủ pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Ngày 18 tháng 4 năm 2019, ông Tuyển tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan Tư pháp trung ương, cơ quan Chính phủ, Quốc hội với niềm tin sẽ lấy lại được công bằng, lợi ích chính đáng. Thiệt hại từ việc thi hành án trái pháp luật gây ra cho vợ chồng ông Tuyển là rất rõ ràng, sai phạm của Chấp hành viên nghiêm trọng nhưng không được xem xét. Hy vọng Cục Thi hành án Dân sự TP Hồ Chí Minh với chức năng kiểm tra công tác thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện theo Điều 14 Luật THADS và Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan thi hành án theo Điều 12 Luật này, sớm rút hồ sơ vụ việc để làm sáng tỏ những sai phạm của Chi Cục trưởng, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi, có văn bản trả lời cho người dân được biết. Đồng thời, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần vào cuộc để làm rõ hành vi ra quyết định trái pháp luật, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, lừa dối người dân, gây hậu quả nghiêm trọng, để giữ gìn kỷ cương phép nước.

Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát diễn biến vụ việc và mong cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng có kết luận cuối cùng để có thể thông tin rộng rãi tới bạn đọc.

Nhóm PV Pháp luật

Nguồn : doanhnghiephoinhap.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời