Bất chấp căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ và thiên tai có xu hướng gia tăng, nhiều tổ chức tài chính – ngân hàng vẫn dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trên 6%.
Xuất khẩu tăng mang lại cú hích mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam tăng 6,1% năm nay, cao hơn mức dự báo của tổ chức này hồi tháng 6.
Trước đó, bất chấp thiệt hại từ cơn bão Yagi, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% năm nay. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng kỳ vọng tốc độ này của Việt Nam sẽ là 6,1%.
Trong khi đó, trong Báo cáo Asian Economics Quarterly do Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành, Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến tăng trưởng hơn nữa với lạm phát theo chiều hướng thuận lợi hơn. HSBC vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cho cả năm 2024 và năm 2025 ở mức 6,5%.
Ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc ADB Việt Nam nhận định, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2024, với mức tăng 6,4% – gần gấp đôi năm trước. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ sản xuất công nghiệp và thương mại.
Báo cáo của HSBC cho rằng, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục vững vàng hơn qua thời gian trong năm nay. Tăng trưởng GDP được cải thiện và mang lại bất ngờ trong quý II/2024, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về kinh tế Việt Nam, HSBC nhấn mạnh xuất khẩu tăng mang lại cú hích mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời lạm phát và tỷ giá dịu đi sẽ nâng đỡ khu vực Châu Á trong năm nay.
Bên cạnh đó, sự phục hồi trong lĩnh vực bên ngoài tiếp tục lan rộng ra ngoài mảng điện tử tiêu dùng, mặc dù tác động trung chuyển nhằm trợ lực cho “mặt trận” trong nước vẫn phải cần thêm thời gian trả lời.
Tuy nhiên, IMF lại các rủi ro với kinh tế Việt Nam vẫn cao, trong đó, xuất khẩu – động lực chính của nền kinh tế – có thể đi xuống nếu tăng trưởng toàn cầu không như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị kéo dài hoặc tranh chấp thương mại tăng.