Đừng thờ ơ với giá dầu giảm

Giá dầu trượt mạnh là thời cơ hiếm có để tháo “vòng kim cô” cho doanh nghiệp tư nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Phiên giao dịch ngày 20/4, thị trường thế giới ghi nhận giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ qua khi thiết lập ngưỡng 16,39 USD/thùng đối với dầu thô ngọt nhẹ; có thời điểm chỉ còn 14,47 USD/thùng. Dầu Brent cũng giảm gần 1% xuống còn 27,85 USD/thùng.

Tác động… mờ nhạt

Thông thường, với bất cứ nền kinh tế nào, giá dầu có tác động lớn đến tất cả hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như các chỉ tiêu vĩ mô. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến tác động từ giá dầu dường như nhạt nhòa hơn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (Đà Nẵng), nhìn nhận giá dầu dù có giảm sâu nữa cũng không tác động nhiều đến nền kinh tế vốn đang đóng băng như hiện nay. “Nếu giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh sản xuất – kinh doanh diễn ra bình thường thì lợi ích trong việc cắt giảm chi phí, kích thích sản xuất của các doanh nghiệp (DN) là rất lớn, từ đó kinh tế vĩ mô cũng được hưởng nhiều. Còn hiện nay, giá dầu thấp không có ý nghĩa khi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giao thông vận tải… gần như đình trệ” – ông Nguyễn Văn Phúc phân tích.

Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TỬ TRỰC

Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh xăng dầu, ông Phúc cho rằng giá dầu đang đóng vai trò rất nhỏ trong toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, bởi nền kinh tế đang gặp hàng loạt vướng mắc nội tại cũng như mới phát sinh vì dịch Covid-19. Chỉ khi tháo gỡ được những khó khăn như kiểm soát tốt dịch bệnh, hỗ trợ về mặt thuế khóa, tín dụng… nhằm hồi phục được sản xuất – kinh doanh thì việc giảm giá xăng, dầu mới có ý nghĩa.

Theo TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, giá dầu giảm mạnh vốn là thời cơ tốt cho nền kinh tế nhưng trong bối cảnh mọi hoạt động đang tạm dừng thời cơ này rất khó tận dụng. “Trừ khi trong ít ngày tới, một phần hoặc nền kinh tế quay lại vận hành bình thường thì cơ hội mới rõ ràng hơn. Hiện nay, chỉ ghi nhận duy nhất ý nghĩa của giảm giá dầu đến việc góp phần kiểm soát lạm phát bởi chi tiêu trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm sử dụng xăng dầu cho sản xuất, vận tải, điện từ chạy dầu hiện khá lớn” – ông Sơn đánh giá.

Ở góc độ quản lý nhà nước, đại diện Bộ Công Thương thừa nhận tác động tích cực từ giá dầu giảm là giúp giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó giúp giảm nhập siêu cũng như tiết kiệm ngoại tệ cho Việt Nam. Đồng thời, giá dầu giảm cũng tác động tích cực đến việc tiết kiệm chi phí của người dân và DN. Tuy nhiên, tác động tiêu cực thể hiện ở nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô sẽ sụt giảm. Chưa kể, ngành khai khoáng, nhất là khai thác dầu khí hiện đang đóng góp khoảng 7,8% trong cơ cấu GDP, cũng bị ảnh hưởng.

Đừng bỏ lỡ cơ hội

Các chuyên gia và DN đều nhìn nhận cơ hội giá dầu chạm đáy có thể không đến lần thứ 2 trong nhiều năm tới. Bởi vậy, nếu không nhanh tay chớp thời cơ sẽ bỏ lỡ cơ hội.

Ông Nguyễn Thành Sơn kể Việt Nam đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội thị trường hóa mặt hàng năng lượng, trong đó có xăng dầu. Chẳng hạn, năm 1993, khi Liên Xô sụp đổ và cắt viện trợ, Việt Nam vẫn giữ chính sách bao cấp với năng lượng. Điều này vừa gây áp lực cho nhà nước vừa dần biến thị trường xăng dầu trở nên méo mó, không sòng phẳng, minh bạch. Đánh giá lần sụt giảm giá dầu kỷ lục này là cơ hội tốt hiếm có để thúc đẩy thị trường hóa, ông Sơn nói: “Thời cơ lần này thuận lợi, dễ dàng hơn nhiều bằng cách nới lỏng các quy định để cho DN tư nhân được nhập khẩu xăng dầu giá rẻ. Không thể duy trì bất hợp lý khi khâu bán lẻ đã tư nhân hóa rồi nhưng khâu nhập khẩu vẫn chỉ tạo điều kiện cho DN nhà nước”.

Theo ông Sơn, việc nới lỏng cho tư nhân tham gia vào thị trường không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và cũng không đi ngược lại với thông lệ thế giới. Trái lại, khư khư giữ quyền nhập khẩu cho DN nhà nước chính là thể hiện tư duy ngược. “Quốc gia nào cũng cần bảo đảm an ninh năng lượng nhưng không có nghĩa là họ giữ tư duy giao tất cả cho DN nhà nước. Thực tế, càng nhiều người mua dự trữ, nguồn cung càng ổn định và bền vững. Đó cũng chính là nguyên lý của thị trường” – ông Sơn nói thêm.

Tuy thế, ông Sơn bày tỏ thất vọng khi động thái tận dụng thời cơ nói trên chưa được thể hiện rõ trong định hướng của các cơ quan quản lý.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng nếu DN nào có tài chính tốt nên mua dự trữ xăng dầu trong thời điểm này. Trong tình huống thiếu kho chứa, có thể tính đến phương án gửi ở kho ngoại quan nước ngoài, tức ký mua nhưng chưa giao hàng. Bên cạnh đó, DN sản xuất và kinh doanh xăng dầu nên coi đây là thời cơ để tối ưu hóa chi phí bởi chi phí sản xuất trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam hiện cao hơn nhiều nước trong khu vực, dẫn đến khi có biến động trên thị trường DN sẽ hứng chịu tác động nặng nề.

Dẫ theo Nguồn: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/dung-tho-o-voi-gia-dau-giam-321836.html

Trả lời