Phiên họp thứ 34: Bàn về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước

Sáng 8/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trọng tâm nội dung phiên họp tập trung vào 4 Nhóm vấn đề chính nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.

Quang cảnh Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 34 là phiên họp cuối của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trước khi tiến hành Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Trọng tâm nội dung phiên họp tập trung vào 4 Nhóm vấn đề chính nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, trong đó, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018; tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2019.

 
” Mặc dù còn một số khó khăn, thách thức và hạn chế, mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 được hoàn thành, đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Tiếp tục khẳng định vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020″.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở tổng hợp kết quả thực hiện cả năm, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 được đánh giá bổ sung là đạt kết quả toàn diện, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao với 03 chỉ tiêu đạt và 09 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, có thêm 01 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước.

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định; thị trường ngoại hối diễn biến tích cực. Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh                   Tiến Dũng

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, với những diễn biến mới của tình hình kinh tế, cùng với việc triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thu, chi NSNN trong những tháng cuối năm, hoạt động NSNN năm 2018 đạt kết quả khả quan hơn so với đánh giá trước đây; kỷ luật tài chính được tăng cường, hiệu quả sử dụng NSNN có tiến bộ.

Về tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2019, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH và NSNN cần điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, quyết liệt công tác thu ngân sách; thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát, sắp xếp tổ chức, hoạt động hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

Thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được, trong đó cần nhấn mạnh: Năm 2018 là một năm đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển biến về kinh tế-xã hội, tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên Đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân chủ quan của nhóm vấn đề hạn chế chủ yếu của nền kinh tế, nhất là vấn đề mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực kinh tế theo Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, còn yếu tố thiếu bền vững; cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, giải ngân vốn đầu tư công chậm,; số lượng, chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm được cải thiện, không đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra.

Thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2018 và dự toán năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với phương án Chính phủ trình và cho rằng, việc giảm bội chi NSNN trong điều kiện nhu cầu chi còn lớn, nhiều nhiệm vụ chi NSNN quan trọng, cấp bách phát sinh thì việc kiểm soát bội chi NSNN thấp hơn so với dự toán đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong quản lý, điều hành NSNN.

Tuy nhiên, Về chi ngân sách địa phương, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ việc chấp hành giao dự toán các khoản chi được Trung ương giao cụ thể đối với một số lĩnh vực: giáo dục, khoa học công nghệ, sự nghiệp môi trường.

“Đây là những lĩnh vực chi đã được chú trọng ưu tiên bố trí theo các Nghị quyết của Trung ương và được cụ thể hóa trong các Nghị quyết của Quốc hội hàng năm về dự toán NSNN và phân bổ NSTW. Vì vậy, cần phải thực hiện ít nhất bằng mức chi đã được Quốc hội quyết định” – ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao đối với nội dung tại các báo cáo của Chính phủ; cho rằng bức tranh nền kinh tế nước ta đang có nhiều nét sáng; tuy nhiên một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị một số số liệu trong báo cáo cần được làm rõ hơn, đầy đủ hơn để đảm bảo tính thuyết phục cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, bên cạnh việc nền KT-XH có bước phát triển thì bức xúc xã hội cũng tăng lên theo cấp số nhân. Do đó vấn đề quản lý xã hội cần được các cấp các ngành quan tâm một cách sát sao hơn nữa; hiệu quả quản lý nhà nước của các bộ, ngành cần được đánh giá rõ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành những đánh giá của Chính phủ trong các báo cáo bổ sung về tình hình KT-XH, NSNN năm 2018 và kế hoạch thực hiện trong năm 2019.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, tiếp tục hoàn thiện báo cáo để đảm bảo đủ điều kiện trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới đây.

Theo D.Bùi (T/h)/ tapchitaichinh.vn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời