Ngay sau cuộc họp trực tuyển với lãnh đạo G20 (tối 26/3 giờ Hà Nội), chiều 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức một hội nghị trực tuyến “4 trong 1” giữa Chính phủ với các địa phương.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 27/3. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hội nghị tập trung bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho 4 nội dung: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.
Đây đều là những vấn đề lớn mang tính sống còn nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và giải quyết khó khăn sau dịch bệnh.
Đến thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 đã, đang và có thể sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt khó khăn chưa từng thấy cho mỗi quốc gia cũng như trên toàn cầu ở mọi lĩnh vực, gây áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh, thu nhập, việc làm theo cả quy mô quốc gia và quốc tế.
Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mang tên “COVID-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp”, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch bệnh gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu (so với số lượng người thất nghiệp hiện là 188 triệu trong năm 2019). Hàng triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm, tiền lương và rớt xuống dưới chuẩn nghèo.
Do vậy, ILO kêu gọi các nước thực hiện các biện pháp khẩn cấp, quyết đoán trên diện rộng, đồng bộ ở cả ba trụ cột: Bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, kích thích nền kinh tế và việc làm và hỗ trợ việc làm, thu nhập. Những biện pháp này bao gồm mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ khả năng giữ việc làm (như giảm thời giờ làm việc, nghỉ phép có lương và các trợ cấp khác), giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; hỗ trợ cho vay, hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể; tăng cường đối thoại xã hội – đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ; xây dựng niềm tin của công chúng và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cập nhật…
Trong bối cảnh ấy, không còn cách nào khác, nhiều nước đã bắt tay thực thi các giải pháp trợ giúp để vực dậy nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Tại Trung Quốc, một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tung ra một loạt giái pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Ngày 20/2, Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm thêm 0,1%, xuống 4,05%, và giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm xuống 4,75%. Lãnh đạo Trung Quốc tin rằng sau khi dịch bệnh kết thúc, nhu cầu tiêu dùng. đầu tư bị dồn nén sẽ được giải phóng hoàn toàn và nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục nhanh chóng.
Tại Mỹ, ngay trong nửa đầu tháng 3, nước này đã nhanh chóng thông qua gói tài chính trị giá 104 tỉ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch bệnh; cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí. Ngoài ra, người lao động vẫn được chi trả tối đa 10 ngày nghỉ ốm.
Ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định hạ 1% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1-1,25% hiện nay xuống còn 0-0,25%; đồng thời thông báo kế hoạch mua vào ít nhất 700 tỷ USD trái phiếu nhằm bình ổn các thị trường tài chính…
Ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunack đã công bố gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp Anh vay trị giá 330 tỷ bảng nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng ở nước này. Chính phủ Anh cũng cam kết sẽ bổ sung và làm “bất cứ điều gì” để giúp các công ty, người dân có đủ khả năng tài chính duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất, chi trả lương cho nhân viên…
Trước mắt, chính phủ Anh sẽ cung cấp gói hỗ trợ thuế và các biện pháp khác trị giá 20 tỷ bảng nhằm bảo vệ doanh nghiệp và hộ gia đình đang gặp khó khăn. Các cửa hàng, nhà hát, nhà hàng ăn sẽ không phải trả lãi suất vay ngân hàng trong 12 tháng; những người đang gặp tài chính khó khăn do dịch bệnh được miễn trả lãi suất của khoản vay trả góp trong 3 tháng…
Tại Đức, Quốc hội nước này đã bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ trị giá 1.100 tỷ euro (tương đương 1.200 tỷ USD) để ứng phó với tác động của dịch bệnh, do nhiều nhân viên buộc phải rút ngắn giờ làm hoặc đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, khảo sát chỉ ra người dân ước tính thu nhập giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm.
Pháp đã công bố gói hỗ trợ 45 tỷ euro (khoảng 50,22 tỷ USD) cho các doanh nghiệp và người lao động chịu tác động của dịch COVID-19. Đặc biệt, ngày 21/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã phê chuẩn một đề xuất của Pháp để bảo đảm khoản viện trợ quốc gia lên tới 300 tỷ euro (323 tỷ USD) nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, một tình huống chưa từng có từ trước đến nay.
Ngày 17/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố gói biện pháp (cho vay, đảm bảo tín dụng, viện trợ trực tiếp) trị giá 200 tỷ euro (tương đương 219 tỷ USD, chiếm 20% GDP); trong đó, 100 tỷ euro (109,7 tỷ USD) để đảm bảo tín dụng và duy trì thanh khoản không giới hạn cho các công ty. Chính phủ sẽ huy động 117 tỷ euro (128 tỷ USD) và số còn lại sẽ đến từ các công ty tư nhân.
Bên cạnh đó, chính phủ các nước Ba Lan, Czech, Romania, Ấn Độ… cũng đã thu xếp các gói hỗ trợ kích thích kinh tế và an sinh.
Có thể nói “cuộc chiến với đại dịch COVID-19” là một thử thách lớn và đặc biệt cho mỗi quốc gia, doanh nghiệp cũng như từng người dân. Bởi vậy, cần sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ của tất cả các bên có liên quan nhằm triển khai đồng bộ những biện pháp đặc biệt, vượt qua những thách thức cả về tính mạng con người, cũng như sự suy giảm cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, gắn với sự đóng băng các giao thương, tiếp xúc xã hội quốc gia và quốc tế…
Ở Việt Nam, trong bối cảnh và với tinh thần đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và nhiều ngân hàng thương mại cùng các bộ ngành chức năng đã và đang có nhiều động thái kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân về tín dụng, tài chính, song như phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 27/3, Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Phải nâng gói hỗ trợ của các đơn vị được báo cáo nhiều hơn, “số hiện nay còn quá ít”.
Thủ tướng đặc biệt yêu cầu phải nhân dịp này tái cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo… Chúng ta lo phát triển sản xuất và phải lo cả đời sống nhân dân, làm sao bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân trong lúc diễn ra dịch và sau dịch…
Đây là chủ trương tỉnh táo, đúng đắn quyết đoán, mang tầm chiến lược, bắt kịp xu hướng chung thế giới, đáp ứng trúng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cộng đống doanh nghiệp, người dân Việt Nam; do đó, cần sớm được hiện thực hóa một cách nghiêm túc, khoa học và hiệu quả nhất, không được trục lợi và tham nhũng như nghiêm lệnh của Thủ tướng Chính phủ…/.
TS. Nguyễn Minh Phong
Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Chu-truong-tinh-tao-dung-dan-quyet-doan-mang-tam-chien-luoc-bat-kip-xu-huong-chung/391219.vgp