Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang gặp phải vướng mắc gì? Động lực, giải pháp nào để khơi thông nguồn lực sẵn có và tương đối dồi dào của khối doanh nghiệp này? Đây là hai nội dung lớn sẽ được bàn luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với DNNN diễn ra vào ngày mai (24/3).
Kỳ vọng về nhận thức mới, khí thế mới cho DNNN
Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với DNNN có chủ đề trọng tâm là “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội”. Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), kỳ vọng Hội nghị sẽ là “bước đệm” để tạo nên nhận thức mới, khí thế mới trong khu vực DNNN.
Thông qua Hội nghị lần này, hai vấn đề sẽ được tập trung làm rõ. Một là Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe những vướng mắc, khó khăn mà DNNN đang phải đối mặt để giải quyết vấn đề, đặc biệt là gắn với triển khai Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”. Thứ hai, DNNN có nhiều nguồn lực nhưng chưa sử dụng hiệu quả, vì vậy kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Vậy giải pháp, động lực nào để khơi thông nguồn lực của khu vực DNNN?
“Lực cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN đến từ đâu, từ thể chế, từ cơ quan chủ quản, hay từ tổ chức vận hành của doanh nghiệp? Dịp này chính là một “Hội nghị Diên Hồng” về kinh tế để các doanh nghiệp có thể chia sẻ và cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe, từ đó rút ra những định hướng, giải pháp”, ông Đặng Quyết Tiến nhìn nhận.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nêu vấn đề tại sao những khu vực kinh tế khác nguồn lực ít hơn mà vẫn vận hành và phát triển, còn khu vực DNNN nguồn lực lớn, bộ máy, con người, quy định pháp lý có sẵn, mà sức ì lớn, vận hành nhiều hạn chế. Ông Tiến kỳ vọng nội dung này cũng sẽ được “mổ xẻ”, phân tích và bàn luận kỹ càng trong Hội nghị.
Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nguồn lực của khối DNNN còn nhiều, trong đó, đáng chú ý dư địa vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ. Ngoài ra, DN có khả năng huy động vốn nhưng không huy động mà thường vay ngân hàng hoặc trông chờ vào ngân sách Nhà nước.
Theo ông Tiến, đâu đó trong DNNN vẫn có tâm lý ngại làm, sợ trách nhiệm, không chỉ trong cổ phần hoá thoái vốn mà kể cả các dự án đầu tư. Ví dụ như Dự án sân bay Long Thành, vướng mắc nhưng không báo cáo kịp thời, Thủ tướng Chính phủ đã đến làm việc tận nơi và chấn chỉnh, dự án đã bắt đầu huyển động. Ông Tiến đặt câu hỏi về “trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan ở đâu?”. Tương tự đối với Dự án Nhà máy Thái Bình 2, nếu như không có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, ráo riết của Thủ tướng, Phó Thủ tướng thì Dự án sẽ khó có kết quả như hiện nay.
Thúc đẩy tái cơ cấu DNNN
Thông tin từ Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị phần vốn nhà nước khi cổ phần hoá bán được là 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Như vậy, tiến trình cổ phần hoá chậm, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN chưa đạt được kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm, chưa bảo đảm tính kịp thời, còn hình thức, thiếu khả thi, chưa sát với thực tế. Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhiều nhưng không triển khai đúng theo kế hoạch.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với DNNN là cơ hội để “xốc lại” tinh thần tái cơ cấu trong DNNN, nhằm đẩy “cỗ xe” DNNN lăn bánh, chuyển động nhanh và đầy sức sống như các thành phần kinh tế khác.
“Thủ tướng đã khẳng định thông điệp là có hiệu quả mới cơ cấu lại, không phải tái cơ cấu tất cả. Cổ phần hoá không chỉ là bán đi thu tiền mà mục tiêu là hiệu quả hoạt động phải tốt hơn. DN cần mạnh dạn làm và chịu trách nhiệm. DN đã dám làm thì cần phân cấp ra sao, giải pháp gì, cải cách thể chế như thế nào? Vấn đề nào có thể xử lý ngay thì cơ quan Nhà nước tập trung ưu tiên”, ông Đặng Quyết Tiến nói.
Như đã nêu ở trên, Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” đã được phê duyệt tại Quyết định số 360/QĐ-TTg. Những định hướng, giải pháp được bàn luận, góp ý trong “Hội nghị Diên Hồng” sẽ gắn với triển khai thực hiện Quyết định này, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.
Về chỉ tiêu chủ yếu tái cơ cấu DNNN đến năm 2025, phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Bảo đảm nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 200.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 48.000 tỷ đồng, theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, nếu không tính các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp, nước ta có 94 DNNN quy mô lớn gồm: 09 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ-công ty con. Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng DNNN nhưng khối công ty mẹ Tập đoàn – Tổng công ty (DNNN quy mô lớn) lại nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.
“Đối với vai trò, vị trí cốt yếu của DNNN trong nền kinh tế, sự quan tâm sâu sát của Thủ tướng Chính phủ tới cộng đồng doanh nghiệp này thể hiện cam kết của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng DNNN để doanh nghiệp phát triển, chung tay giải phóng nguồn lực, góp sức phục hồi kinh tế”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh./.
Minh Ngọc/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: https://baochinhphu.vn/hoi-nghi-dien-hong-thao-go-rao-can-khoi-thong-nguon-luc-cho-dnnn-102220323141112859.htm