Kinh tế phục hồi, xuất khẩu qua thương mại điện tử “chạy tăng tốc”

Thời gian gần đây, xuất khẩu qua thương mại điện tử ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Thương mại điện tử sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động thương mại, tiếp tục bùng nổ trong năm 2022.

                                                                  Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự tích cực đến từ xu hướng dịch chuyển lên thương mại số

Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng của Việt Nam đạt hơn 88 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố tiếp tục cho thấy sự phục hồi tích cực của hoạt động xuất khẩu.

Nếu xét riêng xuất khẩu qua thương mại điện tử thậm chí còn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng hơn, có doanh nghiệp nhận được lượng đơn trong quý I/2022 đã bằng cả năm trước cộng lại.

Trong năm 2021, ghi nhận chỉ riêng trên sàn thương mại điện tử Amazon, đã có gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được bán cho các khách hàng toàn cầu thông qua sàn, tăng gần 35% theo năm.

Theo chuyên gia, sự tích cực đến từ xu hướng dịch chuyển lên thương mại số. Hàng Việt Nam có giá cả cạnh tranh, chất lượng được nâng cao cùng các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả.

Ông Roger Lou, Giám đốc Alibaba.com Việt Nam cho hay: “Dù có những khó khăn lớn, một số ngành của Việt Nam đã đạt được kỷ lục xuất khẩu như nông sản chế biến, thực phẩm – đồ uống… Tôi tin rằng thương mại điện tử toàn cầu có thể làm được nhiều hơn nữa, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm quy mô sản xuất, mở rộng thị trường quốc tế, tăng sản lượng xuất khẩu”,

Bộ Công Thương cũng vừa cho vận hành hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hiểu nôm na là nền tảng công nghệ dùng để xúc tiến thương mại cho phép doanh nghiệp xuất khẩu khai thác, dùng chung. Đây được đánh giá là giải pháp chiến lược để Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, thúc đẩy tốt hơn xuất khẩu qua thương mại điện tử.

Giới chuyên gia cho rằng thách thức lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là chi phí vận chuyển, logistics tăng cao. Đặc biệt, khi xuất khẩu qua thương mại điện tử doanh nghiệp thường dùng các hình thức vận chuyển nhanh như đường hàng không, khiến lợi nhuận dễ bị ăn mòn nếu doanh nghiệp không tính toán kỹ.

Tạo động lực cho thương mại điện tử phát triển

Thương mại điện tử sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động thương mại, tiếp tục bùng nổ trong năm 2022.

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam Năm 2021, tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt doanh số 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Dịch COVID-19 đã khiến thời gian giãn cách kéo dài nhưng cũng thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng.

Việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, đã tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế số và sớm đạt mục tiêu đạt doanh thu 50 tỷ USD vào năm 2025.

Không chỉ các doanh nghiệp, mà năm 2021 tăng trưởng của các sàn thương mại điện tử cũng tăng đột biến so với năm 2020.

Dữ liệu Google cho biết, chỉ trong nửa đầu năm 2021, cả nước có đến 74% người dân sử dụng Internet hàng ngày cùng hơn 8 triệu người dùng thương mại điện tử mới. Còn theo báo cáo của Nielsen, có hơn 60% người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua sắm trực tuyến trong bình thường mới, ngay cả khi các hoạt động bán hàng truyền thống trở lại như cũ.

Thương mại điện tử sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động thương mại, tiếp tục bùng nổ trong năm 2022 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Chính vì thế trong năm nay, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực như hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, giao nhận hàng hóa… với mục tiêu đưa ngành thương mại điện tử sớm đạt mục tiêu 50 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Bộ Công Thương, Bộ sẽ triển khai tổng kết thực tế thi hành chính sách, pháp luật và cùng với các bộ, ngành học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia phát triển về thương mại điện tử nhằm học hỏi kinh nghiệm trong quá trình hoạch định chính sách và tổ chức thực thi chính sách liên quan.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, phân loại danh sách các website ứng dụng thương mại điện tử, kinh doanh các nhóm hàng để dễ theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý và cũng nâng cao trách nhiệm, ngay cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương – Sở Công Thương các địa phương, đã được cấp địa chỉ.

Mặt khác, Bộ còn chú trọng tuyên truyền, phổ biến trước hết cho người dân, người tiêu dùng phải trở thành những người thông minh, có kiến thức cần thiết để không bị lừa trong quá trình tham gia thương mại điện tử.

Được biết, trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/kinh-te-phuc-hoi-xuat-khau-qua-thuong-mai-dien-tu-chay-tang-toc-346862.html

Trả lời