Kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào khi đối mặt “cơn bão xăng dầu”?

Việt Nam có nền kinh tế thuộc loại mở nhất thế giới, nên sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn trước những biến động của thế giới về dầu thô và các nguyên nhiên vật liệu khác.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga. Nước Anh cũng tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022. Những động thái này có thể khiến giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao, thậm chí thiết lập những kỷ lục mới.

Để hiểu rõ hơn về những nguy cơ mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trước những biến động chính trị thế giới, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.,TS. Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM).

PGS.,TS. Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tác động mạnh đến CPI, lạm phát

PV: Việc Mỹ và một số nước phương Tây dừng nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga, theo ông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?

PGS.,TS. Nguyễn Hồng Nga: Sản lượng dầu thô của Nga hiện nay khoảng 10,58 triệu thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 11% sản lượng xuất khẩu dầu thô của thế giới, đứng thứ 2 sau Mỹ. Vì vậy, việc dừng nhập khẩu dầu của Nga sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung dầu thô, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và hậu quả là giá dầu thô leo thang.

Xăng dầu là đầu vào quan trọng của tất cả các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam, những nước đang sử dụng nhiều năng lượng không tái tạo, nhất là xăng dầu. Điều này dẫn đến giá của hầu hết các hàng hóa ra tăng, nhất là hàng hóa xuất nhập khẩu vì giá vận chuyển tăng cao theo giá nguyên liệu.

PV: Những biến động chính trị mang đến rủi ro lớn cho nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc đại dịch. Giá cả tăng cao, sức ép lạm phát và chứng khoán sụt giảm là những vấn đề đang xảy đến với kinh tế thế giới. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng liệu có trở thành tác nhân gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu hay không, thưa ông?

PGS.,TS. Nguyễn Hồng Nga: Nước Nga có nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới về GDP. GDP bình quân đầu người trên 11 nghìn USD, đứng thứ 68 trên thế giới. Theo EIA, doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng năng lượng chiếm 43% tổng ngân sách của chính phủ Nga trong giai đoạn từ 2011-2020. 

Xuất khẩu dầu chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu và 30% GDP của Nga. Nhập khẩu của Nga cũng chiếm khoảng 293,42 tỷ USD, tương đương 17,91% GDP.

Các đối tác thương mại chính của Nga trong năm 2021 là: Trung Quốc 140,7 tỷ USD ( tăng 35,2% so năm 2020), Đức – 57,0 tỷ USD (35,7%) , Hà Lan – 46,4 tỷ USD (62,6%), Mỹ – 34,4 tỷ USD (43,6%), Thổ Nhĩ Kỳ – 33,0 tỷ USD (57,0%), Ý – 31,4 tỷ USD (54,7%), Hàn Quốc – 29,9 USD tỷ (52,2%), Vương quốc Anh – 26,7 tỷ USD (3,4%), Ba Lan – 22,5 tỷ USD (56,2%), Pháp – 22,0 tỷ USD (72,8%).

Đây chính là những nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, tuy nhiên kim ngạch xuất nhập khẩu với Nga (trừ Trung Quốc) là không đáng kể. Vì vậy, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, theo cá nhân tôi sẽ không trở thành một tác nhân, một nguyên nhân quan trọng gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2022.

Nếu có ảnh hưởng thì có thể tác động đến giữa năm 2022, sau đó chiến tranh kết thúc và các nước sẽ giúp Ukraine khắc phục hậu quả, thậm chí có thể xảy ra bùng nổ kinh tế tại châu Âu và lan ra thế giới.

Trả lời