Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia: Xóa bỏ nghịch lý “63 nền kinh tế”

“Chúng ta có 63 nền kinh tế địa phương giống nhau nhưng độc lập và tách rời. Đây là nghịch lý đã tồn tại trong nhiều năm nay mà chưa thể khắc phục. Không thể phát triển mà không gian kinh tế bị chia cắt như vậy”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh…

Bàn về không gian phát triển tại hội thảo về lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sự chia cắt này đang gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn, hình thành xu hướng đua tranh không lành mạnh, thậm chí là “cạnh tranh cùng xuống đáy” giữa các tỉnh trong thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư.

NGHỊCH LÝ VÀ LỰC CẢN LIÊN KẾT VÙNG

Vì vậy, trong nhiều năm qua, tính phối hợp và liên kết giữa các địa phương và các vùng rất yếu. Không chỉ liên kết theo trục dọc mà ngay cả liên kết theo trục ngang cũng đang rất hạn chế.

“Trong khi 14 tỉnh kéo từ trung du miền núi phía Bắc sang Quảng Ninh không có kết nối đáng kể, thì 5 tỉnh Tây Nguyên cũng như “ốc đảo riêng” không kết nối với các vùng xung quanh để thúc đẩy phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Dũng nhận định.

Sự biệt lập giữa “63 nền kinh tế” cũng từng được chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhắc tới trong những hội thảo trước đây về quy hoạch và liên kết vùng. Theo TS. Trần Đình Thiên, sự chia cắt có nguyên nhân sâu xa từ mối liên hệ “dọc” từ Trung ương đến địa phương đã tồn tại nhiều năm trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Hay cụ thể hơn, theo ông, đó là cơ chế “xin – cho”.

Vì vậy, đa số các tỉnh đều gặp những giới hạn nghiêm ngặt của cơ chế và nguồn lực “đóng cửa” nên hầu như không thể bứt phá. Giới hạn này mang tính nguyên tắc, là đặc điểm cố hữu, tất nhiên của hệ thống cơ chế “kinh tế tỉnh ta”.

“Do vậy, không lạ khi nhìn thấy các tỉnh đua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm cảng biển, đua nhau thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) bằng cách “hạ giá” địa phương mình, tìm cách gây khó khăn cho tỉnh bạn như không phối hợp kết nối giao thông, tranh chấp dự án… Điều này đang gây ra những tổn thất to lớn không chỉ ở tầm địa phương mà cả tầm quốc gia”, ông Thiên bày tỏ.

Không chỉ vậy, theo vị chuyên gia, cấu trúc “nền kinh tế tỉnh” chứa đựng những yếu tố và xu hướng phát triển đi ngược lại nguyên lý cơ bản của kinh tế học. Đó là chưa phát triển dựa trên lợi thế quy mô, thiết lập và mở rộng phạm vi chuỗi liên kết, hình thành mạng sản xuất, cụm công nghiệp.

HÌNH THÀNH CÁC HÀNH LANG VÀ VÙNG ĐỘNG LỰC

Để trở lại đúng nguyên lý của kinh tế học và của thị trường, ngoài việc xem xét điều chỉnh, bổ sung cơ chế phân cấp, phân quyền, nhiều chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để tạo ra vùng tăng trưởng mạnh mẽ dựa trên việc phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

“Phải xác định được điểm nghẽn của đất nước hiện nay là gì. Vì vậy, Quy hoạch cần nêu được các định hướng chủ động quyết định tương lai của đất nước, chứ không chỉ là đối phó, khắc phục vướng mắc mà chưa mạnh dạn hoạch định, kiến tạo theo hướng chúng ta mong muốn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Điều này sẽ xóa bỏ tình trạng manh mún, chia cắt và cát cứ của các tỉnh. Quy hoạch phát triển vùng sẽ hiệu quả hơn nhờ tránh được sự chồng chéo, lãng phí. Việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng sẽ tránh được các xung đột cục bộ cũng như những phản đối xuất phát từ lợi ích nhóm.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù hiện nay cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, lại chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực. Thậm chí, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Do vậy, trong báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Viện Chiến lược phát triển thực hiện, ông Quang đề xuất, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.

Ngoài ra, cùng với việc hình thành các vùng động lực, cần tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam và hành lang kinh tế Đông – Tây thông qua việc tận dụng kết nối hạ tầng để tạo lực kéo cho các địa phương.

Cụ thể, về hành lang kinh tế Bắc – Nam, dự kiến có 2 hành lang: hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và QL 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau; hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang – Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên phát triển hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.

Về các hành lang kinh tế Đông – Tây, ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi, như: có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế…; hay các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị… và ưu tiên các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế.

“Sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực, cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực”, ông Quang nêu quan điểm.

TÌM ĐỘNG LỰC CHO GIAI ĐOẠN MỚI

Theo TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc lựa chọn các vùng động lực để ưu tiên phát triển trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn hạn chế là cần thiết. Song, vấn đề cần làm hiện nay là việc xác định cần ưu tiên đột phá vào những vùng động lực nào. “Phải chọn nhưng điều cần nhất là xây dựng quy hoạch thế nào để tự chủ về kinh tế”, ông Sinh nói.

Cùng quan điểm, đại diện Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược (Bộ Công Thương) cho rằng: việc lựa chọn vùng động lực cần tập trung, tránh dàn trải; đặc biệt, sự khác biệt giữa việc phân vùng động lực như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và vùng kinh tế trọng điểm như trước đây cần được thể hiện rõ trong quy hoạch sắp tới. “Liệu có sự trùng lắp hay khác biệt. Nếu có thì phải nêu rõ từ khái niệm và nội hàm”, vị này nêu.

Trong khi đó, đại diện Viện Nghiên cứu du lịch bày tỏ, những lúng túng, khó khăn trong thiếu thể chế liên kết vùng thời gian qua cần được khắc phục trong quy hoạch tổng thể sắp tới.

“Nói đến khu vực Bắc Trung Bộ thì Thừa Thiên – Huế là trung tâm vùng. Nhưng Thừa Thiên – Huế chưa phát huy được vai trò trong phát triển du lịch cả vùng. Thanh Hóa hay Nghệ An phát triển du lịch nhờ kết nối mạnh với Hà Nội. Vì vậy, việc xác định vai trò trung tâm vùng không có nhiều ý nghĩa nếu thiếu thực tế thị trường và sự định hình vai trò phát triển trung tâm trong việc vực dậy kinh tế của các địa phương xung quanh”, Viện Nghiên cứu du lịch nêu quan điểm.

Do vậy, đại diện ngành du lịch đề nghị xem xét hình thành vùng mới để vừa tránh được xung đột như thời gian qua, vừa tạo sức mạnh chung cho cả vùng.

“Tuy vậy, phân vùng hiện là một trong những điểm nghẽn hiện nay về quy hoạch. Trong vùng lại có vùng, chồng chéo lên nhau. Đây chính là không gian phát triển mà Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này phải giải quyết để tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng giai đoạn tới”, Viện Nghiên cứu du lịch khuyến nghị.

Theo: Ngân Hà/vncomy.vn

Dẫn nguồn theo:https://vneconomy.vn/lap-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-xoa-bo-nghich-ly-63-nen-kinh-te.htm

Trả lời