Nhiều tỉnh vượt thu ngân sách địa phương năm 2020

Dù đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, lũ lụt, tác động của đại dịch COVID-19, nhưng nhiều địa phương đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, trong đó có thu ngân sách địa phương.

Ảnh minh họa

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh An Giang ước đạt 5,45%. Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 9/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, trong đó có 2 chỉ tiêu vượt là thu ngân sách địa phương và số giường bệnh trên 10.000 dân.

7 chỉ tiêu đạt là giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân, kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán.

4 chỉ tiêu không đạt, gồm tốc độ tăng trưởng GRDP, cơ cấu kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội và số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến cuối năm 2020.

Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của An Giang xuất khẩu tăng trong năm 2020, như thủy sản đông lạnh, gạo, rau quả đông lạnh, hàng may mặc… Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 930 triệu USD, tăng 4,49% so với cùng kỳ 2019, đạt 100% so với kế hoạch năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tỉnh đã nhanh chóng chuyển trọng tâm khôi phục phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, vừa triển khai gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Tỉnh cũng tranh thủ hỗ trợ của Trung ương để triển khai thực hiện các dự án, chương trình trọng điểm như dự án đường tránh Quốc lộ 91 đi qua thành phố Long Xuyên, dự án cầu Châu Đốc, dự án chống biến đổi khi hậu, sạt lở bờ sông, hỗ trợ đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp…

Còn tỉnh Thừa Thiên-Huế, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và thiên tai, nhưng thu ngân sách Nhà nước năm 2020 ước đạt 8.455 tỷ đồng, vượt 11,2% so với dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa là 7.992 tỷ đồng (chiếm 94,5% tổng thu ngân sách), vượt 12,8% so với dự toán, tăng 1%, do nguồn thu tiền sử dụng đất tăng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 415 tỷ đồng, bằng 84,3% dự toán, giảm 13,6%.

Năm 2020, Thừa Thiên-Huế đạt 10/14 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra; 4 chỉ tiêu không đạt gồm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP), giá trị xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, năm 2021, tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội.

Thừa Thiên- Huế tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội gắn với đảm bảo an sinh xã hội.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu trong năm 2021 tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,4-8,4%, GRDP bình quân đầu người đạt 2.300 USD, vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 8-10% so với thực hiện năm 2020 (dự ước 24.500 tỷ). Phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn tăng từ 5-7% so với dự toán giao, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 920 triệu USD; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%; có 13-14 bác sĩ/10.000 dân, 58-60 giường bệnh/10.000 dân. Phấn đấu 7-9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 8 xã nông thôn mới nâng cao, 2-3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 94%; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường từ 30-40%…

Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 65.900 tỷ đồng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho biết, năm 2020, dù chịu sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì ổn định, đạt một số kết quả tích cực với 4/13 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhiều giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy phát triển dịch vụ cảng và logistics được triển khai. Một số công trình, dự án trọng điểm, nhất là dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng được thúc đẩy mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch dần phục hồi; thương mại, xuất nhập khẩu và xây dựng nông thôn mới được thực hiện có hiệu quả. Thu, chi ngân sách Nhà nước đạt dự toán. Chi đầu tư phát triển đạt vượt dự toán; an sinh xã hội, thực hiện tốt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Trong năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRPD) trừ dầu khí tăng 3%. GRDP bình quân đầu người trừ dầu khí đạt 6.940 USD/người/năm. Tổng thu ngân sách đạt 76.400 tỷ đồng, đạt 100,47% dự toán.

Tuy nhiên, có 9/13 chỉ tiêu kinh tế của địa phương tăng trưởng thấp so với kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; công tác xác định giá đất có phần cải thiện nhưng chưa cao, tiến độ hoàn thành còn chậm…

Trong năm 2021, tỉnh xác định, tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới. Tỉnh phấn đấu trong năm 2021 tổng thu ngân sách đạt khoảng 65.900 tỷ đồng, có 20,3 giường bệnh/10.000 dân, 8,9 bác sĩ/10.000 dân, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ, 80% lao động qua đào tạo…

BT (tổng hợp)/baochinhphu.vn

Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nhieu-tinh-vuot-thu-ngan-sach-dia-phuong-nam-2020/416381.vgp

Trả lời