Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: Điều hành giá cần hết sức uyển chuyển, tuân theo nguyên tắc thị trường

Trả lời đại biểu Triệu Thị Huyền tại phiên chất vấn sáng 8/6/2023 liên quan đến vấn đề giá, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, điều hành giá là nghệ thuật, cần hết sức uyển chuyển, tuân theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt quan tâm tới đời sống lao động, đồng bào vùng sâu vùng xa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Điều hành giá căn cứ vào tín hiệu thị trường

Chất vấn về vấn đề giá, đại biểu Triệu Thị Huyền – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thông tin về các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá.

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, điều hành giá là nghệ thuật, cần hết sức uyển chuyển, tuân theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt quan tâm tới đời sống lao động, đồng bào vùng sâu vùng xa.

“Điều hành giá phải căn cứ vào tín hiệu thị trường mà thị trường thì thay đổi hàng ngày. Ví dụ như xăng dầu cần có kịch bản, nắm bắt thị trường để điều hành, đáp ứng nhu cầu, mục tiêu Quốc hội giao, như năm ngoái CPI là 4% và năm nay 4,5%”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ.

Phó Thủ tướng nêu, muốn giữ được giá phải đáp ứng quan hệ cung cầu, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu. Với mặt hàng Nhà nước định giá thì phải giữ được giá, còn lại mặt hàng không định giá thì theo thị trường nhưng phải niêm yết, kiểm tra yếu tố hình thành giá.

“Chúng tôi đã tính toán kỹ, tới tháng 7, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì giá cũng sẽ không thay đổi nhiều nhưng vẫn phải hết sức quan tâm để điều hành giá sao cho CPI không vượt 4,5%”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định.

Đại biểu Triệu Thị Huyền phát biểu chất vấn tại nghị trường sáng 8/6/2023.
Đại biểu Triệu Thị Huyền phát biểu chất vấn tại nghị trường sáng 8/6/2023.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho biết, một giải pháp rất quan trọng trong công tác điều hành giá là phải tuyên truyền để đông đảo nhân dân hiểu được, ủng hộ việc điều hành giá của Chính phủ, tránh trường hợp tăng giá theo kỳ vọng mà chúng ta không kiểm soát được.

Gỡ vướng cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp

Tham gia chất vấn tại hội trường, đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai nêu băn khoăn liên quan đến vấn đề thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, thanh khoản dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là rất lớn. 

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, điều này gây bức xúc cho nhiều người dân, làm sụt giảm niềm tin của thị trường và nhà đầu tư, do đó cần có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, hiện nay thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô. Nguyên nhân là bởi quản lý, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính còn chưa hợp lý, có một số vi phạm, sai phạm trên thị trường, các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính sau đại dịch… Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn còn do nguyên nhân về pháp lý, cơ cấu sản phẩm như sản phẩm giá thấp ít, sản phẩm giá cao nhiều, năng lực chủ đầu tư.

Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tại Phiên chất vấn.
Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tại Phiên chất vấn.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do hai đồng chí Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp. Hai Tổ công tác đã có báo cáo, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo để hoàn thiện căn cứ pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả. Cùng với đó, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo công khai, minh bạch, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, pháp luật, ổn định tâm lý. 

Đồng thời, Phó Thủ Tướng Lê Minh Khái nêu, Chính phủ cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều Nghị định, chỉ đạo trực tiếp các dự án bất động sản. Gần đây, dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn đã ổn định, dần tháo gỡ khó khăn trên tinh thần thực hiện trách nhiệm trên hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, Nhà nước phải tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, nghĩa vụ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư. 

Giải pháp phù hợp để thu hút FDI đạt hiệu quả cao nhất

Tại Phiên chất vấn, liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho hay, thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra nhiều thách thức khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đòi hỏi phải ứng phó hiệu quả các tác động tiêu cực, bảo đảm tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nước ta. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng hành động và giải pháp cho vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú quan tâm đến tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú quan tâm đến tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Danh Tú, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tháng 6/2021, nhóm G7 đạt thỏa thuận về thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15% nộp ở nước sở tại. Đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, mức chênh lệch phải xử lý ở mặt bằng 15%. Tháng 7/2021, G20 cũng thống nhất về thuế tối thiểu toàn cầu và 138 nước trong khối OECD đã đạt thỏa thuận khung liên quan đến nội dung này. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam tham gia thỏa thuận hợp tác quốc tế, đảm bảo hội nhập nhưng không bắt buộc.

“Chính phủ, Quốc hội và bản thân Chủ tịch Quốc hội cũng rất quan tâm, đã tổ chức nhiều diễn đàn, có chỉ đạo sát sao về vấn đề này; thành lập tổ công tác nghiên cứu đánh giá tác động. Thường trực Chính phủ đã họp, đề xuất Thủ tướng, trình Quốc hội có giải pháp sớm nhất về những chính sách thuế hội nhập sâu rộng. Trong đó, việc thu thuế phải bảo đảm quyền, nghĩa vụ hợp pháp nhà đầu tư và hài hòa lợi ích của quốc gia”, Phó Thủ tướng nêu.

Cũng liên quan đến tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị băn khoăn, triển vọng FDI vào Việt Nam không lạc quan khi luật thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024 trong khi xuất hiện những vấn đề khiến hàng loạt chính sách ưu đãi thu hút FDI của Việt Nam có thể bị suy giảm hiệu quả. Đại biểu này đề nghị Phó Thủ tướng trả lời rõ hơn về nội dung này.

Trả lời về băn khoăn này của đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng đây là vấn đề thời sự, cần đánh giá khoa học, nghiêm túc, thực tiễn. Vì khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến các cam kết thu hút đầu tư, nhất là về thuế nên cần xử lý thận trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tất cả nhân tố tác động.

“Việc thu hút đầu tư FDI đang gặp khó khăn do bối cảnh chung. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp để thu hút FDI đạt hiệu quả cao nhất”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Theo: Bảo Thương/Tapchitaichinh.vn

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/dieu-hanh-gia-can-het-suc-uyen-chuyen-tuan-theo-nguyen-tac-thi-truong.html

Trả lời