Grab là biến thể của kinh tế chia sẻ

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, Grab không phải tận dụng phương tiện nhàn rỗi kinh doanh lấy tiền nên mô hình này chưa hẳn là kinh tế chia sẻ.

Tại Hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo báo cáo “Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế”, ông Thủy cho hay, kinh tế chia sẻ là tận dụng được lợi thế phát triển của kinh tế số, tiếp cận được một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số, huy động phương tiện, tài sản nhàn rỗi vào sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển. Tuy nhiên thực tế Grab không chỉ tận dụng phương tiện nhàn rỗi để kinh doanh lấy tiền.

Cũng đồng tình với quan điểm của Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Grab là hình thức biến thể của kinh tế chia sẻ.

                                  Grab chưa hẳn là mô hình kinh tế chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Hòe đặt vấn đề, nhiều trường hợp tham gia Grab là đi vay tiền ngân hàng hoặc nhờ người vay tiền để kinh doanh lấy tiền. Nếu trường hợp kinh tế phát triển tốt có thể mô hình đó không gặp rủi ro. Nhưng nếu trong trường hợp ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kinh doanh không thuận lợi, lái xe không có thu nhập rất dễ tài sản đó thành nợ xấu.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội phân tích, nếu Grab là kinh tế chia sẻ thì không có chuyện lái xe biểu tình khi tăng giá, thuế như ngày hôm qua, cũng không có chuyện quy định thưởng, tỷ lệ chạy xe… để được nhận các cuốc xe.

“Mô hình kinh tế chia sẻ của Grab đã có biến chuyển rất nhanh và có sự thay đổi. Với kinh tế chia sẻ ban đầu lái xe tận dụng nguồn lực sẵn có, nếu rảnh thì chạy, bận thì thôi”, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội nói.

Grab bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 2014 với dịch vụ GrabTaxi, đến nay, sau 6 năm hoạt động, Grab đã mở rộng kết nối thêm nhiều loại hình dịch vụ thiết yếu của người dân tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng gần 70 nghìn xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng dịch vụ trực tuyến. Công ty Grab có hơn 200 nghìn đối tác tài xế ô tô và xe gắn máy, 16 nghìn đối tác nhà hàng, kinh doanh thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mô hình kinh doanh của Grab có thể là chia sẻ nguồn lực nhưng không phải nguồn lực sẵn có. Nguồn tài nguyên đó là tài nguyên ảo, không phải thật.

“Người lao động có mục tiêu kiếm được nhiều tiền nhất nên nhiều người tìm cách vay tiền để kinh doanh chứ không tận dụng tài sản đang có. Ở một góc độ nào đó nếu như gặp biến cố không thể dự đoán được như chính sách hoặc dịch Covid-19 thì những người lao động đó sẽ là đối tượng bị tổn thương, ảnh hưởng tới quyền lợi khi tham gia vào nền kinh tế chia sẻ”, ông Cương nhận định.

Theo Thanh Phương/taichinhdoanhnghiep.net.vn

dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/grab-la-bien-the-cua-kinh-te-chia-se-d17343.html

Trả lời