Kinh tế Việt Nam muốn phục hồi và tăng tốc phải có những đột phá về chính sách

Trong kịch bản tích cực, kinh tế Việt Nam có thể đạt tới cấp độ tăng trưởng khoảng 5% nếu như Việt Nam có thể khống chế được dịch bệnh cũng như dần đón nhận các hoạt động giao thương và đầu tư trở lại từ quý III/2021.

Đây là nhận định của PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV về những khuyến nghị chính sách phục hồi và tăng tốc nền kinh tế trong bối cảnh mới.

PV: Thưa ông, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đã có những khảo sát, nghiên cứu và nhận định như thế nào về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm 2021?

PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh minh họa: KT)

PGS. TS. Phạm Thế Anh: Chúng tôi đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 phụ thuộc vào yếu tố khách quan là tình hình khống chế bệnh dịch trên thế giới. Ngoài ra, phụ thuộc vào yếu tố nội tại – những động lực tăng trưởng mình có thể kiểm soát được trong nước – có thể đến từ đầu tư công hoặc những lợi thế mà Việt Nam có được sau khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, đối với bên ngoài phải hy vọng rằng thế giới sẽ trở lại hoạt động bình thường từ quý 2, đặc biệt là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam thực hiện tiêm chủng vaccine trên diện rộng và kinh tế của họ được mở cửa trở lại.

Đối với kinh tế trong nước, trước tiên là chúng ta phải kiểm soát được bệnh dịch, tránh tình trạng phong tỏa giãn cách xã hội trên diện rộng, vì như thế thì có ảnh hưởng rất lớn tới cả sản xuất cũng như dịch vụ. Điều kiện nữa, đó là Việt Nam cần phải duy trì tốc độ giải ngân đầu tư công cao hơn so với năm trước thì chúng ta phải có được nền tảng tăng trưởng vững chắc. Thứ ba, các doanh nghiệp trong nước phải tận dụng được những lợi thế mà Việt Nam có được từ sự dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài cũng như các Hiệp định thương mại tự do đem lại những năm qua.

PV: Cụ thể hơn, lĩnh vực kinh tế nào chịu tác động lớn của dịch Covid-19 trong năm 2020 có khả năng hồi phục trong giai đoạn tới, thưa ông?

PGS. TS. Phạm Thế Anh: Đối với những ngành nghề chịu ảnh hưởng mạnh nhất, đặc biệt là du lịch, hàng không, vận tải để hồi phục không có cách gì hơn là trong nước cũng như thế giới khống chế được bệnh dịch. Chúng ta kỳ vọng với diễn biến tiêm chủng vaccine trên diện rộng hiện nay trên thế giới, Chính phủ Việt Nam phải đi sớm hơn, có thể có kế hoạch đón nhận khách du lịch trở lại. Đối với những người đã được tiêm vaccine, nếu Việt Nam chủ động trong đón nhận dòng du lịch trở lại thì các ngành dịch vụ, đặc biệt cả du lịch hàng không, ăn uống, nhà hàng, khách sạn sẽ hồi phục mạnh. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào việc trên thế giới triển khai vaccine diện rộng thành công tới đâu. Kỳ vọng rằng, những nước giàu trên thế giới họ có thể hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vaccine của họ trong khoảng cuối quý 2 hoặc đến quý 3.

PV: Như ông vừa nói, để có được nền tảng tăng trưởng vững chắc cần phải tiếp tục giải ngân đầu tư công. Vậy, theo ông, giải ngân vốn đầu tư công cần lưu ý điều gì để thực sự có hiệu quả?

PGS. TS. Phạm Thế Anh: Quan điểm của chúng tôi giải ngân đầu tư công có trọng điểm đối với những dự án cấp quốc gia và đã có kế hoạch từ trước, đã có nguồn vốn để thực hiện. Đối với những dự án đó Việt Nam đang phải tập trung giải quyết thật nhanh. Bây giờ chúng ta chỉ cần giải quyết các thủ tục, vướng mắc về mặt hành chính sao cho những dự án này được đẩy nhanh hơn. Đặc biệt những dự án trọng điểm quốc gia thì cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cho nền kinh tế – đó chính là nền tảng tăng trưởng trong tương lai.

PV: Trên bình diện chung, VEPR cho rằng Việt Nam sẽ có kịch bản tăng trưởng trong năm 2021 như thế nào?

PGS. TS. Phạm Thế Anh: Kịch bản tăng trưởng vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào kịch bản đã khống chế được bệnh dịch trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trong kịch bản tích cực, kinh tế Việt Nam có thể đạt tới cấp độ tăng trưởng khoảng 5% nếu như Việt Nam có thể khống chế được dịch bệnh trong nước cũng như là dần đón nhận được dòng du lịch vào Việt Nam, các hoạt động giao thương và đầu tư trở lại bình thường bắt đầu vào quý III năm 2021. Còn trong kịch bản thận trọng hơn, nếu như Việt Nam vẫn phải đóng cửa đối với khách du lịch nước ngoài, và dòng vốn đầu tư, thương mại vẫn phải chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi bệnh dịch trên thế giới do các thị trường chính của Việt Nam thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa thì lúc đó tăng trưởng của Việt Nam có thể thấp hơn rất nhiều, có thể tác động chỉ trong khoảng từ 2 đến 3% trong năm như 2020. Và tôi vẫn kỳ vọng rằng, động lực tăng trưởng đến từ hai khu vực chính, đó là khu vực đầu tư công, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt con số tích cực trong năm 2021. Chúng ta có thể kỳ vọng rằng, trong trường hợp thế giới vẫn còn đang vất vả, vẫn đang khốn đốn với đại dịch, chúng ta vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng khoảng 2 đến 3%.

PV: Ngoài hai động lực tăng trưởng ông vừa mới nêu, ông cho rằng cần lưu ý điều gì để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ được như kỳ vọng?

PGS. TS. Phạm Thế Anh: Tôi nghĩ rằng kịch bản tăng trưởng của Việt Nam trong 2021 có thể tích cực hơn nếu như niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp quay trở lại, nếu như họ nhìn thấy triển vọng khống chế bệnh dịch trên thế giới tốt hơn, và nếu như Việt Nam giữ vững được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, giữ được mặt bằng lãi suất thấp và giữ được sự ổn định tỷ giá và ổn định lạm phát… Khi khu vực doanh nghiệp nhìn thấy các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã ổn định trở lại cũng như kinh tế hồi phục thì họ sẽ bắt đầu đầu tư trở lại và lúc đó giúp cho tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt con số cao hơn – trong kịch bản tích cực.

PV: Theo ông, chủ trương chính sách, cộng đồng doanh nghiệp hay cơ quan thực hiện triển khai những chủ trương chính sách có vai trò quan trọng hơn cả trong bối cảnh thực hiện những mục tiêu kép?

PGS. TS. Phạm Thế Anh: Trong bối cảnh chúng ta đang cố gắng thực hiện mục tiêu kép, tôi cho rằng vai trò của chính sách vĩ mô quan trọng hơn. Bởi vì hiện nay, đối với doanh nghiệp, trong điều kiện bệnh dịch đang diễn ra phức tạp, các yếu tố khách quan không thể kiểm soát được. Nhưng nếu như chính sách vĩ mô của mình hiện nay đang theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế, nếu chúng ta không làm tốt, gây ra những bất ổn về bong bóng giá tài sản hay lạm phát, lúc đó thì khả năng hồi phục của nền kinh tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, trong mọi tình huống thì tôi cho là các chính sách vĩ mô của mình, thứ nhất là cần phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt phải giữ được môi trường lạm phát và lãi suất thấp. Thứ hai là tiếp tục đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh để khi bệnh dịch gần chấm dứt hoặc chấm dứt hoàn toàn thì sẽ tạo đà hồi phục rất nhanh cho khu vực doanh nghiệp.

PV: Từ đầu năm tới nay, đã có Nghị quyết 02 và thông điệp của Thủ tướng về 5 cân đối lớn của nền kinh tế. Chúng ta cần thêm gì nữa hay chỉ cần nỗ lực thực hiện triển khai đúng những thông điệp đó sẽ đạt mục tiêu?

PGS. TS. Phạm Thế Anh: Vâng, tôi cho rằng các giải pháp, các định hướng Chính phủ đưa ra phù hợp với hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề chính của Việt Nam hiện nay cũng như trong nhiều năm qua, đó là khoảng cách từ định hướng – mục tiêu cho tới thực tiễn thực hiện thì còn rất xa. Chính phủ chỉ cần thực hiện đúng cam kết với một định hướng trong các quyết sách này thì sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt, tạo được động lực tăng trưởng trong tương lai./.

Theo vov.vn

Dẫn theo nguồn: https://vietnamhoinhap.vn/article/kinh-te-viet-nam-muon-phuc-hoi-va-tang-toc-phai-co-nhung-dot-pha-ve-chinh-sach—n-36550

Trả lời