Chiều ngày 10/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động.
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Lao động thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt, đáp ứng yêu cầu cấp bách, đồng thời để việc triển khai chính sách hỗ trợ được tiến hành trong thời gian sớm nhất, kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 xem xét, quyết định thông qua.
Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tăng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc. Thời gian thực hiện từ ngày ký đến thời điểm các biện pháp quy định tại điểm 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV hết hiệu lực thi hành.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ, trong năm 2021 hàng triệu người lao động mất việc, lao động trong các ngành kinh tế tiếp tục giảm, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.
Thực tế trên cho thấy các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Điều 107 của Bộ luật Lao động cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới.
Trình bày báo cáo Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban Xã hội và các ý kiến tham gia thẩm tra cơ bản đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp đặc biệt này như một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn.
Theo đó, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, về cơ bản, hồ sơ của dự thảo Nghị quyết đã đáp ứng đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đánh giá cao sự cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến tại Phiên họp thẩm tra của Thường trực Ủy ban Xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số quan điểm khác nhau về đề xuất mở việc áp dụng thời giờ làm thêm trong 01 năm đối với tất cả các ngành, nghề, công việc và việc nâng giới hạn về thời giờ làm thêm của người lao động trong tháng.
Trên cơ sở các quan điểm còn khác nhau, để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng và các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác để tăng mức trần thời giờ làm thêm hợp lý; đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo chức năng chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn nâng cao vai trò của các công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, thúc đẩy việc đàm phán linh hoạt và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi cho người lao động trong quá trình thực hiện Nghị quyết này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp…
Thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến của các đại biểu cùng đồng tình với việc tăng số giờ làm thêm lên một tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giờ làm thêm cần được sự đồng ý của người lao động trên cơ sở thỏa thuận bình đẳng, công khai, không được áp đặt; bảo đảm sức khỏe lâu dài cho người lao động và người lao động phải được trả công xứng đáng theo thỏa thuận…
Kết luận sơ bộ nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong thời gian ngắn đã tổ chức nghiên cứu, phối hợp thẩm tra tốt về dự thảo Nghị quyết.
Về cơ bản, dự thảo Nghị quyết nhận được sự đồng thuận cao. Nhận định đây là giải pháp rất đặc biệt mang tính chất tình thế áp dụng trong thời gian ngắn, các ý kiến thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng việc ban hành Nghị quyết là phù hợp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Các ý kiến cũng nhất trí việc cần thiết mở rộng phạm vi ngành nghề, công việc, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau việc áp dụng thời gian làm thêm trong năm.
Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị việc mở rộng các ngành nghề, công việc phải cân nhắc, rà soát để loại trừ các đối tượng ngành nghề không áp dụng.
Về hiệu lực quy định thời gian làm thêm giờ theo tháng sẽ bắt đầu khi Nghị quyết được thông qua, thời gian bắt đầu hiệu lực của quy định thời gian làm thêm giờ theo năm được bắt đầu từ ngày 01/01/2022 và thời gian hết hiệu lực là ngày 31/12/2022 để phù hợp với Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/se-tang-thoi-gio-lam-them-cua-nguoi-lao-dong-346244.html