1 tháng, ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ 1.057 vụ vi phạm pháp luật hải quan

Từ ngày 16/4 – 15/5/2022, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.057 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 273 tỷ 791 triệu đồng, qua đó thu nộp vào ngân sách nhà nước đạt trên 69 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 9 vụ.

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tình hình tại các cửa khẩu biên giới đã mở cửa thông thương với các nước trên thế giới nên việc đi lại, thông thương hàng hóa thuận lợi hơn, khiến các đối tượng trong nước cấu kết chặt chẽ với các đối tượng người nước ngoài manh động, liều lĩnh vượt biên giới qua các đường mòn, lối mở. Các đối tượng buôn lậu sử dụng các thuyền cao tốc vượt sông, suối nhỏ và sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng để hoạt động buôn bán và vận chuyển các chất ma túy vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, số lượng hành khách xuất nhập cảnh, quá cảnh, hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất… tăng mạnh, nên số vụ việc vi phạm qua các cửa khẩu có xu hướng tăng cao đặc biệt nổi lên là tuyến hàng chuyển phát nhanh tại các sân bay quốc tế.  

Nhằm chủ động thu thập thông tin, nắm tình hình thực tế tại địa bàn, kịp thời chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước về hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch số 407/ĐTCBL-KH ngày 15/4/2022 về việc sử dụng xe giám sát cơ động thực hiện công tác giám sát trực tuyến tại địa bàn kiểm soát hải quan các tỉnh: Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp và An Giang.

Đồng thời, yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và lực lượng kiểm tra sau thông quan, lực lượng thanh tra kiểm tra thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu, vật tư y tế.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện dự thảo quy trình và sổ tay nghiệp vụ về công tác kiểm soát hải quan; trình lãnh đạo Bộ Tài chính ký ban hành Công văn số 3936/BTC-TCHQ ngày 5/5/2022 gửi Bộ Công an tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong công tác quản lý, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản, đồ vật, tài liệu trong quá trình giải quyết các quyết các vụ án, vụ việc.

Kết quả, từ ngày 16/4 – 15/5/2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 1.057 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 273 tỷ 791 triệu đồng, qua đó số thu ngân sách đạt 69 tỷ 598 triệu đồng, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 9 vụ.

Trong đó, có thể kể đến một số vụ việc điển hình như: Ngày 17/04/2022, Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Hòn Gai (Cục Hải quan Quảng Ninh) tuần tra, kiểm soát, phát hiện 2 tầu (HP 4658 và 5628) có dầu hiệu mua bán, sang mạn trái phép hàng hóa không hóa đơn chứng từ. Hàng hóa vi phạm là 40.000 kg Dầu FO.

Ngày 22/04/2022, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan TP. Hà Nội) đã phối hợp với Đội 7 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP. Hà Nội) tiến hành kiểm tra lô hàng tại kho Fedex phát hiện 01 lô hàng nhập khẩu từ Indonesia thuôc danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện gồm 58,74 kg cá ngựa thuộc phụ lục II Cites.

Hay như vụ việc, từ ngày 21/4 – 12/5/2022, tại Cảng Nam Hải Đình Vũ, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 (Cục Hải quan TP. Hải Phòng) đã phối hợp Đội 1 – Cục Điều tra Chống buôn lậu kiểm tra lô hàng nghi vấn của 01 doanh nghiệp nhập phát hiện lô hàng nhập có chứa hàng tiêu dùng đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu. Hiện nay, cơ quan hải quan đang tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xử lý theo quy định của pháp luật…

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/1-thang-nganh-hai-quan-phat-hien-bat-giu-1057-vu-vi-pham-phap-luat-hai-quan-348467.html

Trả lời